Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cần sớm được can thiệp trong “thời điểm vàng”
Đăng lúc: 2025-03-21 15:51:00
|
Bởi: admin
|
Lượt xem: 4392
|
Chuyên mục: Đời sống xã hội
Ngày nay, tỷ lệ trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng. Cùng với đó, nhiều trung tâm can thiệp và dạy trẻ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý... đã được mở ra. Tuy nhiên, rất ít cha mẹ có thể phát hiện sớm những dấu hiệu này ở trẻ. Khi các em đã qua “thời điểm vàng” để can thiệp, việc hỗ trợ trẻ phục hồi sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Với trẻ có dấu hiệu bị rối loạn phổ tự kỷ, các bậc cha mẹ cần quan sát và cho con đi thăm khám, can thiệp trong “thời điểm vàng” để trẻ sớm phát triển tốt
Trên trang web của Bệnh viện Nhi đồng thành phố có bài viết rằng:“rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em là một dạng rối loạn thần kinh não bộ, đồng thời là một chứng rối loạn phát triển, trong đó người mắc phải có biểu hiện kém phát triển trong giao tiếp, tương tác với người khác và trong hành vi. Họ có thể biểu hiện nhiều triệu chứng, thiếu hụt kỹ năng và mức độ suy yếu, đồng thời hạn chế rõ rệt các hoạt động và sở thích, khả năng nhận thức, khả năng ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ”.Liệu việc trẻ em thường xuyên xem điện thoại và tivi có thể dẫn đến chứng rối loạn phổ tự kỷ? Đến nay, chưa có báo cáo nào chứng minh rằng việc xem điện thoại và tivi là nguyên nhân trực tiếp gây ra rối loạn phổ tự kỷ. Theo quan điểm hiện tại, nguyên nhân chủ yếu của rối loạn này vẫn được cho là do yếu tố di truyền và lỗi nhiễm sắc thể X, trong khi môi trường sống không đóng vai trò quyết định trong sự hình thành rối loạn.
Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu và thực tế, việc trẻ em thường xuyên sử dụng tivi và điện thoại có mối liên hệ nhất định với sự xuất hiện và phát triển của các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng:“Thời gian sử dụng thiết bị càng lâu, các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt là các triệu chứng giác quan và sự chậm phát triển, càng trở nên rõ ràng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngôn ngữ”.
Trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ do thường xuyên xem điện thoại và tivi thường có những biểu hiện điển hình như: Thứ nhất, kỹ năng tương tác xã hội kém, ít đáp ứng khi gọi tên, hạn chế tiếp xúc mắt và ít tương tác với người khác. Thứ hai, khả năng giao tiếp kém, trẻ thường chậm nói, ngôn ngữ hạn chế, chưa thể diễn đạt câu dài, ít chủ động khởi xướng và duy trì giao tiếp. Thứ ba, hành vi rập khuôn, trẻ có thói quen ăn uống hạn chế, thích hoặc ghiền một vật, lăng xăng, tăng động, xoay tròn cơ thể hoặc đi nhón chân.
Những điều này khiến trẻ gặp khó khăn khi đến tuổi đi nhà trẻ hay mẫu giáo. Việc hòa nhập, vui chơi cùng các bạn khó khăn khiến trẻ thu hẹp phạm vi giao tiếp và trở nên bị cô lập “thích chơi một mình”. Điều quan trọng cần lưu ý là trẻ em rối loạn phổ tự kỷ, có thể không có tất cả hoặc bất kỳ hành vi nào được liệt kê ở đây. Vậy, có nên hay không nên cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ xem tivi và điện thoại? Trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động khác nhau liên quan đến não của thời gian sử dụng thiết bị.
Những “tác dụng phụ” điện tử này bao gồm hưng phấn quá mức và rối loạn điều hòa, gọi là Hội chứng màn hình điện tử, cũng như chứng nghiện công nghệ, trò chơi điện tử, Internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, Youtube… Tuy nhiên, trẻ rối loạn phổ tự kỷ có đủ phong cách riêng và thường học tốt nhất bằng mắt và tai, trong khi lời nói ít có tác dụng với chúng. Chúng sống trong đầu của chính mình. Các video có thể được xem đi xem lại nhiều lần thực sự là công cụ mạnh mẽ để dạy các kỹ năng, khái niệm và thậm chí cả phản ứng cảm xúc. Việc xem tivi và điện thoại được chọn lọc cẩn thận có thể giúp trẻ xây dựng kiến thức và kỹ năng có thể sử dụng ở nhà, trường học và tương tác xã hội.
Ngoài việc cho trẻ xem tivi và điện thoại theo khoa học, có chọn lọc cẩn thận, thì theo các chuyên gia y tế, việc phát hiện trẻ rối loạn phổ tự kỷ càng sớm sẽ càng tốt cho quá trình can thiệp giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng. Theo đó, từ năm 2 tuổi đến 4 tuổi là “thời điểm vàng” can thiệp. Khi chăm sóc con cái, các bậc cha mẹ cần chú ý các biểu hiện, hành vi khác thường của con mình để có thể đưa bé đi kiểm tra sớm nhất có thể. Nếu trẻ được xác định mắc rối loạn phổ tự kỷ, việc đến các trung tâm, trường học có các chuyên gia, giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp để can thiệp 1:1, giúp trẻ tiến bộ. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cha mẹ cách vui chơi, tương tác với con mỗi ngày dành, dạy con dựa theo một kế hoạch can thiệp cá nhân cụ thể của trẻ.