Vì sao người dân chưa “mặn mà” tiêu dùng xanh?

Đăng lúc: 2025-03-24 07:55:00 | Bởi: admin | Lượt xem: 6729

Thời gian qua, nhiều chính sách tiêu dùng xanh đã được ban hành và thực thi với nhiều hoạt động, chương trình nhằm nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh cho người dân. Qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân về sản phẩm xanh và các hành vi bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn người dân vẫn chưa “mặn mà” tiêu dùng xanh.

1
Ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao công bố kết quả khảo sát tiêu dùng xanh 2024

Theo thông tin từ Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Dự án Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập công bố mới đây phần nào cho thấy, đại đa số người dân, nhất là người dân ở các đô thị lớn đều nhận thức được tầm quan trọng của tiêu dùng xanh trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường. Để đạt được kết quả này, có thể nói, truyền thông xã hội là phương tiện thông tin đóng vai trò quan trọng nhất hiện nay.

Thế nhưng rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá thành cao. Tiếp đó là sản phẩm xanh còn hạn chế, sự cam kết về chất lượng sản phẩm và các chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.

Qua cuộc khảo sát tại 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao nhận định, lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người dân hiện nay. Điều này cho thấy, bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng còn khá “tối màu”. Ngay tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ người dân tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% – 18%.

Từ Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024, cho thấy rào cản lớn nhất đối người dân hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, sự phàn nàn của người dân đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18% người dân cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ).

Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt người dân ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế, trong đó có khoảng 7% người dân khi được hỏi cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh.

 
2
Người dân ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh nhưng để đi đến ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh là một chuyện khác

Bên cạnh đó, người dân cũng cho biết họ sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau. Trong đó mức độ chi trả tăng thêm được người dân hưởng ứng nhiều nhất là chi tăng thêm từ 5% đến 10% so với sản phẩm thông thường để tiêu dùng sản phẩm xanh, đặc biệt có khoảng 20% người dân chấp nhận chi trả tăng thêm trên 10%.

Cuộc khảo sát Tiêu dùng xanh 2024 được tổ chức trên quy mô rộng, đã đưa ra cái nhìn toàn diện về nhận thức, hành vi và ưu tiên của người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Qua đó, nhà sản xuất cần cải tiến sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng bền vững của người dân.

Tiêu dùng xanh là một xu hướng mà các quốc gia đang theo đuổi nhằm thực hiện mô hình phát triển kinh tế xanh và bền vững. Ở Việt Nam, việc ban hành và thực thi chính sách tiêu dùng xanh đã mang lại những tác động tích cực trong nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên kết quả trên thực tế lại chưa thật sự khả quan, người dân vẫn chưa “mặn mà” với tiêu dùng xanh.

Vì vậy, trong thời gian tới, cần có thêm nhiều giải pháp tăng cường thực thi chính sách tiêu dùng xanh. Ngoài tháo gỡ các rào cản nêu trên, điều cần thiết phải tăng cường huy động nguồn tài chính đầu tư cho tiêu dùng xanh. Cần có chính sách tài chính công thông minh và cơ chế tài chính sáng tạo. Huy động các nguồn tài chính cho tiêu dùng xanh ngoài ngân sách nhà nước...

Ngoài ra, Nhàn ước cũng cần có chính sách hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng xanh nhằm xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Đặc biệt, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến tiêu dùng xanh của cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo doithoaiphattrien.vn