Thanh Hoá: Chuyện bia công chúa và mộ vua Lê ở xã Xuân Phong

Đăng lúc: 2019-11-06 07:29:21 | Bởi: admin | Lượt xem: 1 | Chuyên mục: Tinh hoa nghề Việt

TTPT.VN - Là nơi phát tích của hai vương triều thịnh trị trong lịch sử phong kiến dân tộc (Tiền Lê và Hậu Lê), dễ hiểu vì sao, ở vùng đất Thọ Xuân (Thanh Hoá) ngày nay cùng với hệ thống quần thể di tích, đền thờ uy nghi các vua, hậu, công thần, danh tướng đã được trùng tu, tôn tạo và bảo vệ... thì còn đó cả dấu tích của những tên tuổi hoàng tộc đang hiện hữu. Đến xã Xuân Phong (Thọ Xuân), ta không khỏi lắng lòng khi đứng trước hiện vật, nghe câu chuyện kể về vị công chúa và vua Lê yểu mệnh yên nghỉ ở vùng đất này, cách đây hàng trăm năm.

500 năm - còn đó bia đá con gái vua Lê Thánh Tông

Cuối năm 2016, đầu 2017, dư luận trong và ngoài tỉnh không khỏi xôn xao trước thông tin phát hiện tấm bia đá cổ ở cánh đồng Cao Han, thuộc làng Đại Lữ, xã Xuân Phong. Ở thời điểm này, tấm bia với hiện trạng nằm nghiêng giữa cánh đồng canh tác nông nghiệp của người dân địa phương. Có những đồn đoán, thậm chí là thêu dệt về nguồn gốc văn bia.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định: "20 năm trước, khi còn là cán bộ phòng VHTT huyện Thọ Xuân thì bản thân tôi cùng lãnh đạo phòng đã biết đến và nhiều lần xuống thực địa tại khu vực tọa lạc bia đá. Khi ấy, tấm bia đã nằm nghiêng, song vì kích cỡ hiện vật khá lớn, lại nằm ở địa thế trũng nên sức người rất khó để di chuyển". Bởi vậy, với trách nhiệm là cán bộ phòng chuyên môn, ông chỉ có thể báo cáo lãnh đạo huyện và trao đổi với địa phương trong việc giữ nguyên trạng hiện vật.

 

Người dân Xuân Phong bên bia đá công chúa Cẩm Vinh.

Toàn bộ nội dung văn bia được khắc bằng chữ Hán cổ. Năm 2017, với tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản, người dân Xuân Phong cùng các nhà nghiên cứu địa phương đã mang bản dập văn bia ra Viện Nghiên cứu Hán Nôm để làm rõ. Ngày 17/3/2017, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có kết luận nội dung bản dịch. Theo đó, hiện vật rùa đội bia đá ở cánh đồng Cao Han có tên gọi đầy đủ "Đại Việt Cẩm Vinh trưởng Công chúa Thần đạo bi". Nội dung trên văn bia được khắc khá chi tiết: Cẩm Vinh trưởng công chúa nước Đại Việt có tên húy là Mỹ Thuần, là con gái thứ 11 của Thánh Tông Thuần Hoàng đế (Hoàng đế Lê Thánh Tông - pv), mẹ là Thọ An cung Kính phi họ Nguyễn. Công chúa sinh năm Giáp Ngọ niên hiệu Hồng Đức thứ 5 (1474). Vốn bản tính thuần hậu. Năm 1487 được phong Cẩm Vinh Công chúa. Cùng năm đó, công chúa kết duyên với con trai của Trung quân Đô Đốc phủ, Chưởng Phủ sự, Thái úy Quận công Lê Thọ Vực.

Đáng tiếc, năm công chúa Cẩm Vinh 25 tuổi thì bỗng nhiên bị cảm. Dù đã được Hoàng đế quan tâm, dốc lòng cho thái y chăm sóc thuốc thang nhưng vẫn không thể qua khỏi. Ngày mùng 3 tháng 7 năm 1498, công chúa qua đời. Sau đó, được đưa về an táng ở cánh đồng Cao Han (Cao Hay), Phong Bang, huyện Lôi Dương nay là xã Xuân Phong huyện Thọ Xuân. Đây cũng là quê hương của thân mẫu Cẩm Vinh công chúa. Bia công chúa Cẩm Vinh được lập ngày 10 tháng 11 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498).

Rùa đá và thân dưới bia đá Cẩm Vinh công chúa.

Như vậy, tính từ thời điểm xuất hiện là năm 1498, đến nay bia đá Cẩm Vinh công chúa đã có niên đại hơn 500 năm. Việc gìn giữ và bảo vệ bia đá là điều thực sự cần thiết. Trải qua thời gian cùng những biến động lịch sử, chiến tranh tàn phá khiến cho bia đá Cẩm Vinh công chúa không tránh khỏi ảnh hưởng. Một điều may mắn, đến thời điểm hiện tại về cơ bản thì bia đá vẫn giữ được hiện trạng khá nguyên vẹn: bia được làm bằng đá xanh nguyên khối, nằm trên lưng rùa đá (bia dày 24cm, rộng 1,26m, cao 1,97m ; Rùa dài 2,04m, rộng 1,26m).

Được sự hướng dẫn của Sở VH,TT&DL, đầu năm 2019 huyện Thọ Xuân và xã Xuân Phong đã phối hợp thực hiện tôn tạo nhà bia với tổng diện tích gần 500m2 ở ngay khu vực phát hiện tấm bia cổ với các hạng mục nhà mái che, khuôn viên... Sau hơn 500 năm xuất hiện, việc tôn tạo bia cổ Cẩm Vinh công chúa được xem là hành động thiết thực thể hiện sự kính ngưỡng của hậu thế với con gái của Hoàng đế Lê Thánh Tông, vị vua nổi tiếng anh minh lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Bia công chúa Cẩm Vinh con gái thứ 11 của vua Lê Thánh Tông hiện đã được địa phương trùng tu, bảo vệ.

Trao đổi với lãnh đạo xã Xuân Phong về ý kiến người dân mong muốn được xây dựng ngôi đền thờ Cẩm Vinh công chúa làm nơi hành lễ, sinh hoạt tâm linh, ông Lê Viết Thể - Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguyện vọng lập đền thờ Cẩm Vinh công chúa trên địa bàn xã của người dân cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến quy hoạch quỹ đất, kinh phí và cả công tác quản lý...nên với trách nhiệm của xã, rất khó để có thể quyết định.

Mộ cổ vua Lê Huyền Tông?

Cách trung tâm hành chính xã Xuân Phong chỉ khoảng 500m, nằm ngay trên trục đường chính của xã là ngôi mộ cổ bước đầu được xác định là mộ vua Lê Huyền Tông - Hoàng đế thứ 19 của vương triều Hậu Lê và thứ 8 nhà Lê Trung Hưng.

Năm 2008, người dân Xuân Phong trong quá trình làm thủy lợi đã tình cờ phát hiện một ngôi mộ cổ. Sự việc khi ấy đã thu hút sự quan tâm lẫn hiếu kì của đông đảo người dân và giới nghiên cứu. Lúc bấy giờ, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Hùng cũng là người có mặt ở khu vực phát hiện mộ cổ sớm nhất. "Chiếc quách trồi lên bị vỡ một góc và bên trong có quan tài, tức mộ hợp chất. Mộ hợp chất chỉ mới xuất hiện thời Hậu Lê và có nhiều thời Lê Trung Hưng. Mộ này dùng cho vua, hậu, quan lớn, nhà giàu, người có vai vế. Ở khu vực này, mộ xác ướp trong quan ngoài quách có lẽ chỉ có của các vua và hậu nhà Lê" - ông Hoàng Hùng cho biết. Tuy nhiên, nghi vấn đó chưa đủ cứ liệu để một nhà nghiên cứu đưa ra nhận định mang tính thuyết phục.

Từ nghi vấn, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc đi tìm tài liệu trả lời câu hỏi về thân thế người nằm trong một cổ. Từ Đại Việt sử ký toàn thư; Thông sử; Gia phả họ Lê...và gần nhất là bản dập văn bia năm 1915 của tác giả Dumoutier ghi chép lưu giữ ở Viễn Đông Bác Cổ. Theo đó, tài liệu khẳng định mộ vua Lê Huyền Tông được an táng ở lăng Cảnh Thịnh (Quả Thịnh) trên địa bàn xã Xuân Phong ngày nay.

 

Ngôi mộ cổ bên đường với nhiều cứ liệu được xác định là mộ vua Lê Huyền Tông.

Vậy vua Lê Huyền Tông là ai? Và vì sao, thi hài ông lại được an táng ở vùng đất cách Lam Kinh hơn 20km.

Ngược thời gian, trở về lịch sử cách nay gần 400 năm. Đó là ở giai đoạn nhà Lê Trung Hưng với quyền lực "vua Lê - chúa Trịnh". Ông là con thứ của vua Lê Thần Tông, tên gọi là Duy Vũ. Sau khi vua cha qua đời, Thái tử Duy Vũ lên ngôi vua năm 1663 lúc mới 9 tuổi, vì vậy quyền bính chủ yếu nằm trong tay chúa Trịnh.

Lịch sử nhắc đến Lê Huyền Tông với sự cảm thương cho một vị vua yểu mệnh. Bởi, ở ngôi mới được 8 năm và còn chưa có con nối dõi thì ông chẳng may lâm bệnh qua đời. Tuy nhiên, trong thời gian trên ngôi, dù tuổi trẻ, lại không có thực quyền song sử sách vẫn nhắc đến ông với tâm đức nhân hậu, được lòng dân mến mộ. "Những năm vua ở ngôi, trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng gọi là bậc vua hiền". Đặc biệt, bên cạnh khá nhiều chính sách trị nước thì tài liệu sử còn nhắc đến Lê Huyền Tông Hoàng đế với việc quan tâm bảo vệ, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Cụ thể, nhà vua đã ban lệnh cấm phụ nữ thời ấy mặc quần (mặc váy) để giữ phong tục.

Theo Đại Việt sử kí toàn thư, lợi dụng sự rối ren trong triều chính nước ta, nhà Minh đã đem quân xâm lược, gây nên cảnh tang tóc cho dân tộc Việt. Cùng với việc vơ vét tài nguyên, đặt ách cai trị thì kẻ xâm lược còn đẩy mạnh thực hiện dã tâm đồng hóa "đàn bà con gái thì mặc áo ngắn, quần dài, hóa theo phong tục phương Bắc". Sau khi giành lại độc lập dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt dần được khôi phục và nhà Hậu Lê coi việc phụ nữ mặc váy là điều quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, đến thời Lê Trung Hưng, việc mở rộng bang giao, buôn bán với người ngoại quốc dẫn đến sự giao thoa văn hóa, thay đổi phong cách ăn mặc. Nhằm ngăn ảnh hưởng quá đà của yếu tố ngoại lai, năm Cảnh Trị thứ 2 (1664) nhà vua đã ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu, phải trở lại mặc váy theo y phục dân tộc. Sắc dụ là một trong 47 điều giáo hóa được ban bố: "Ở các làng, xã trưởng chép vào một tấm biển treo ở trong đình, ngày hương ẩm, hội họp già trẻ, trai gái trong làng đem giáo điều giảng đọc hiệu bảo, khiến mọi người biết mà khuyên răn để tiến lên phong tục tốt đẹp". Nhìn ở góc độ bảo tồn văn hóa truyền thống cha ông, cách làm của vua Lê Huyền Tông cũng rất đáng để hậu thế hôm nay học hỏi.

Đáng tiếc, ở ngôi mới được 8 năm thì Lê Huyền Tông Hoàng đế qua đời, vì chưa có con nối dõi nên thi hài vua được đưa về quê hương của thân mẫu là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (làng Cảo Nhuệ, tổng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương nay là xã Xuân Phong) an táng tại lăng Cảnh Thịnh, lập điện thờ Càn Long.

Trải qua biến thiên thời gian, điện Càn Long cùng bia đá đến nay không  còn vết dấu. Nhưng ngôi mộ cổ với nhiều bằng cứ xác thực đều hướng đến nhận định đó là mộ Lê Huyền Tông Hoàng đế. Tuy nhiên, để việc đi đến kết luận chuẩn xác cuối cùng, vén bức màn bí ẩn mộ cổ thì cần thiết có sự vào cuộc của ngành chuyên môn và cơ quan chức năng. Để ngôi mộ cổ có một danh phận xứng đáng.

Và sự vào cuộc để đi đến kết luận cuối cùng cũng là việc không nên để lâu. Bởi, nếu thực sự là mộ vua Lê Huyền Tông, cần thiết có sự trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích xứng tầm với vị thế của một Hoàng đế trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Theo doithoaiphattrien.vn