NHỮNG NẺO ĐƯỜNG PHÙ SA
Đăng lúc: 2025-03-20 15:35:00
|
Bởi: admin
|
Lượt xem: 4515
|
Chuyên mục: Phát triển
Từ con đường sông để mưu sinh, trải qua bao đời trao đổi, mua bán hàng hóa, những tuyến giao thông thủy mở ra con đường giao thương quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chuyên chở biết bao cuộc đời mưu sinh, những dòng sông còn chứng tỏ vai trò là đường giao thương quan trọng đưa ĐBSCL ra biển lớn, phát triển và hội nhập. Những dòng sông chở nặng phù sa cuộn chảy cùng đời sống thương hồ xuôi ngược, nay đây mai đó, đem phù sa màu mỡ bồi đắp cho vùng ĐBSCL trù phú từ bao đời nay.

Từ bao đời nay, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn gắn bó với chiếc vỏ lãi, con đò, chiếc thuyền.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Nguồn nước trong vùng được lấy từ 2 nguồn chính là sông Mê Kông và nước mưa. Sông Mê Kông chảy qua ĐBSCL chia làm hai nhánh là Tiền Giang và Hậu Giang. Việc ĐBSCL hàng năm bị ngập lũ gần 50% diện tích từ 3 - 4 tháng tạo nên một đặc điểm nổi bật của vùng, một mặt, là hạn chế lớn đối với canh tác, trồng trọt và gây nhiều khó khăn cho đời sống của dân cư, nhưng mặt khác cũng tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bổ sung độ phì nhiêu cho đất trồng trọt.
Từ xa xưa, người dân vùng ĐBSCL đã sống và tận dụng thế sông mà đi lại, vận chuyển hàng hóa. Những dòng sông nơi miền đồng bằng đã đi cùng bao thăng trầm, chuyển biến của vùng đất và con người nơi đây. Sông không chỉ cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy mà còn tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho đất và người miền Tây. Từ thượng nguồn Tân Châu (An Giang), sông Me Kông vào ĐBSCL được gọi sông Cửu Long, chia đôi dòng nước thành sông Tiền và sông Hậu. Từ đó sản sinh vô số sông rạch tỏa khắp đồng bằng, cùng kênh đào nối những tuyến đường thủy nhộn nhịp, tạo nên một miền Tây khác biệt vô cùng.
Có thể nói, so với cả nước, hoạt động đường sông ở ĐBSCL sầm uất, tấp nập hơn hẳn. Đường sông không chỉ vận chuyển hàng hóa, mà còn là tuyến đường du lịch hấp dẫn. Những chuyến ghe thương hồ từ khắp các ngã năm, ngã bảy họp về đoạn sông mua bán, trao đổi hàng hóa hình thành chợ nổi với các loại trái cây, rau, củ… đầy ắp xuồng, ghe dập dềnh sóng nước. Hãy xuống đò từ bến Ninh Kiều thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang) lúc sớm mai. Về Vĩnh Long mê theo “Tình anh bán chiếu” giữa chợ nổi Trà Ôn, mặc kệ mặt trời lên cao. Qua sông Tiền thì ghé chợ nổi Cái Bè. Khách muốn ghé ghe hàng nào thì nhìn lên cây bẹo dựng cao treo lủng lẳng khoai mì, khoai lang, dưa hấu, khóm, mía… Quay về cập bến sông miệt vườn cù lao An Bình, nghe đờn ca tài tử trong vườn cây trái giữa bốn bề sóng nước.
Nam bộ là một vùng sông nước có hệ thống sông ngòi chằng chịt, cho nên từ lâu hình ảnh chiếc ghe, con đò, dòng sông, chiếc cầu… là hình ảnh hết sức quen thuộc với người dân nơi đây. Ngay từ thuở lọt lòng, họ đã được tắm mình giữa trời nước bao la rồi khi lớn lên họ phải đi qua những chiếc cầu tre nối nhịp đôi bờ, những khi buông câu, thả lưới, những lúc chở hàng bông ra chợ… họ cũng gắn chặt cuộc đời mình với dòng nước bao la. Giữa những dòng sông, con kênh xanh ngắt một màu, từ ngàn xưa vẫn là hình ảnh những chiếc ghe con đò ngược xuôi ngang dọc, mưu sinh trên mặt nước. Và khi đắm mình giữa thiên nhiên, những câu hò, điệu hát cũng từ đây mà được bắt nguồn và phát triển. Ai đã từng đến miền Tây nghe một câu hò giọng hát được cất lên nơi nước và trời giao nhau đẹp khôn tả? Ai đã từng một lần ngồi trên những chiếc ghe, chiếc xuồng mà chơi vơi cùng sóng nước lăn tăn? Con sông, cái rạch cùng những chiếc đò, chiếc ghe đã trở thành một phần cuộc sống của con người nơi đây, đi vào cuộc sống của họ từ những ngày đầu tiên họ đến an cư lạc nghiệp nơi miền sông nước trù phú này.
Phát triển từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vận tải thủy ngày càng có sự cạnh tranh lớn, nhất là tốc độ giao hàng nên việc “chạy đua” đổi mới phương tiện rất được quan tâm. Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, mạng lưới sông rạch ĐBSCL phân bố dày đặc với 26.550km sông tự nhiên, mật độ 0,67km/km2, giao thông thủy thuận lợi vào bậc nhất ở nước ta. Khu vực Nam Bộ và ĐBSCL có 3 hệ thống sông chính bao gồm sông Đồng Nai, sông Cửu Long và các sông ngắn nối biển Đông với biển Tây. Ngoài ra còn có mạng lưới kênh, rạch liên kết các sông với nhau tạo thành hệ thống giao thông đường thủy hết sức thuận lợi. Đặc biệt sự xuất hiện của các đoàn phương tiện có trọng tải lớn 2.000-3.000 tấn và nhiều phương tiện tự hành vận chuyển container.

Những chuyến ghe thương hồ từ khắp các ngã năm, ngã bảy họp về đoạn sông mua bán, trao đổi hàng hóa hình thành chợ nổi với các loại trái cây, rau, củ… đầy ắp xuồng, ghe dập dềnh sóng nước.
Có thể tiết kiệm cả thời gian lẫn cho phí, ưu thế này đang không ngừng được phát huy, đặc biệt là thời gian gần đây nhu cầu chuyên chở nguyên liệu, nông sản… dần chuyển sang các loại ghe tàu, xà lan. Hai tuyến sông huyết mạch sông Tiền và sông Hậu có vô số kênh rạch kết nối tạo thành những tuyến giao thông thủy rất thuận lợi. Chẳng hạn, sông Vàm Nao (An Giang) nối sông Tiền với sông Hậu như một dấu gạch ngang của chữ H, dài chỉ 6,5km nhưng là “tuyến quá cảnh” thuộc tuyến sông Hậu từ cửa Định An qua Vàm Nao và sông Tiền đến cảng Phnom Penh (Campuchia).
Sông Măng Thít dài hơn 48km nối nhánh Cung Hầu của sông Tiền chạy qua Vĩnh Long tới sông Hậu tại cù cao Mây (Trà Ôn). Đây là tuyến sông nối liền ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ; đóng vai trò kết nối trung chuyển hàng nông sản từ các tỉnh ĐBSCL lên TP. Hồ Chí Minh. Ở chiều ngược lại, tuyến sông có nhiệm vụ kết nối chuyên chở hàng công nghiệp tiêu dùng, vật liệu xây dựng về các tỉnh miền Tây. Tại nhánh sông Măng, nơi đây cũng tiếp đón hàng chục du thuyền lớn nhỏ xuôi ngược ngày đêm, đưa du khách lênh đênh sông nước Cửu Long, qua Campuchia trên dòng Mê Kông.
Ngoài ra, việc liên kết cảng Phnom Penh với cảng Cần Thơ, các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và mở tuyến container để nối các cảng này với nhau tạo thành tuyến vận tải thuận lợi. Lượng hàng container vận tải bằng đường thủy tăng lên rất nhanh. Sự kiện này đã góp thêm một bước giúp đẩy mạnh lượng hàng được chuyên chở bằng đường thủy, đánh dấu một bước ngoặt mới cho giao thông đường thủy ở miền Tây Nam Bộ.
Về miền Tây để nghe một câu ca điệu hò, nghe đờn ca tài tử giữa những vườn trái cây sum xuê đầy quả. Về miền Tây để ghé thăm những khu chợ nổi đặc biệt, xem cái tận tình hiếu khách của con người nơi đây. Về miền Tây để có thể một lần ngắm những cánh đồng lúa được phù sa bồi đắp mà trĩu hạt. Và về miền Tây để một lần thấy được sự bao la của những dòng sông, thấy được một miền Tây đang ngày một đổi mới từ trên chính những dòng sông, con rạch này.