Người đánh thức những di sản văn hóa Tà Ôi

Đăng lúc: 2019-07-01 08:43:44 | Bởi: admin | Lượt xem: 0 | Chuyên mục: Tinh hoa nghề Việt

TTPT.VN - Nghệ nhân Hồ Thị Tư (Tar Dưr Tư) bắt đầu bước vào tuổi 50 nhưng đã có hơn 20 năm gắn bó với việc tìm hiểu, thực hành, gìn giữ những di sản quý của người Tà Ôi. Những đóng góp của nghệ nhân đã góp phần đánh thức những di sản quý báu tưởng như đã ngủ quên này.

Nghệ nhân Hồ Thị Tư cùng với đoàn nghệ nhân dân tộc Tà Ôi giới thiệu nghề zèng tại Làng Văn hóa – Du lịch
các dân tộc Việt Nam (tháng 4/2019).

Không để những di sản ngủ quên

Là người con dân tộc Tà Ôi, được sinh ra và lớn lên tại thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay từ bé, Hồ Thị Tư đã là một cô bé thích ca hát, nhảy múa. Những làn điệu dân ca và vũ điệu truyền thống mà mẹ cùng phụ nữ trong thôn thường thực hành trong ngày lễ hội, nhất là hội Aya Kooh – Lễ hội cầu mùa, lễ hội lớn nhất của người Tà Ôi làm cô bé Hồ Thị Tư mê đắm.

Khi trưởng thành, Hồ Thị Tư bắt đầu nhận thức được vẻ đẹp và các giá trị của những làn điệu dân ca, vũ điệu truyền thống nói riêng và những di sản văn hóa của dân tộc Tà Ôi nói chung.

Hồ Thị Tư chia sẻ: Để hiểu hơn những giá trị văn hóa này, ngoài quan sát, cảm nhận của bản thân thì cần học hỏi từ những nghệ nhân lớn tuổi. Họ chính là kho tàng “sống” vô cùng quý giá giúp mình hiểu biết toàn diện về những giá trị văn hóa của dân tộc mà họ nắm giữ, thực hành. Nhờ các nghệ nhân lớn tuổi chỉ dạy, mình càng thêm yêu quý, trân trọng những vốn quý này.

Hồ Thị Tư đi theo những nghệ nhân lớn tuổi để học hỏi, tiêu biểu như các nghệ nhân Kả Cơi, Kả Hưu (thôn A Năm, xã Hồng Vân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) để được truyền dạy kĩ năng múa các vũ điệu, thể loại dân ca.

Từ tình yêu và những hiểu biết được tích lũy của bản thân, lại có năng khiếu, chị Hồ Thị Tư được tuyển chọn tham gia hoạt động trong Đội Thông tin lưu động huyện A Lưới. Đây chính là nơi để Hồ Thị Tư thể hiện khả năng, lan tỏa tình yêu dân ca, dân vũ truyền thống sang đồng nghiệp, cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hồ Thị Tư tiếp tục tìm hiểu về các di sản văn hóa phi vật thể từ văn học (ca dao, câu đố, truyện cổ tích) và đến nghệ thuật (dân ca, dân vũ, âm nhạc) đến quy trình lễ hội, hoa văn trang phục cùng những di sản văn hóa khác như nhạc cụ, dệt zèng…

Chị đi tích cực lặn lội khắp nơi, tiếp tục học hỏi từ các nghệ nhân, tiêu biểu như cố nghệ nhân Pa Cô Hùng (thôn Tâl ay, xã Hồng Trung), nguyên cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, cố nghệ nhân Ku Zắc (thôn Kêr, xã Hồng Vân), ông Nguyễn Hoài Nam (thôn Pa Ring, xã Hồng Hạ) nguyên Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin… Tất cả những chỉ bảo, truyền dạy quý giá của các nghệ nhân, chị Hồ Thị Tư đã cẩn thận ghi chép và biên tập lại làm tư liệu. Từ vốn quý này, chị dàn dựng thành kịch bản múa, kịch bản lễ hội để phục vụ việc phục dựng và truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng như viết thành sách để lưu hành.

Đặc biệt, chị đã nỗ lực cùng các cấp vận động bà con khôi phục nghề dệt zèng truyền thống vừa nâng cao đời sống, vừa giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Ươm mầm những hạt nhân

Ngay từ khi còn công tác tại Đội Thông tin lưu động huyện A Lưới, Hồ Thị Tư đã hiểu được ý nghĩa to lớn của công tác tuyên truyền thông qua các tiết mục văn hóa, văn nghệ để lan tỏa tình yêu, niềm tự hào đối với các giá trị văn hóa dân tộc, từ trang phục truyền thống đến những làn điệu dân ca, dân vũ và những nhạc cụ truyền thống… Không chỉ tham gia biểu diễn, Hồ Thị Tư còn đầu tư thời gian, công sức để dàn dựng kịch bản đem đến sức hút cho những tiết mục biểu diễn. Chị đã cùng với Đội Thông tin lưu động của mình, đi khắp nơi trong huyện A Lưới để biểu diễn, phục vụ bà con và tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng.

Nghệ nhân Hồ Thị Tư đã đóng góp tích cực để những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tà Ôi được giữ gìn trong cộng đồng.

Không dừng lại ở đó, chị còn trực tiếp tham gia truyền dạy cho các lớp diễn viên trẻ của đội nghệ thuật quần chúng của huyện cũng như của xã để kế thừa và tiếp tục gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ truyền thống, dân gian của huyện, phục vụ nhân dân trên địa bàn cũng như tham gia các cuộc Liên hoan nghệ thuật dân gian do huyện, tỉnh, Trung ương tổ chức.

Đặc biệt, ở cương vị Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, Hồ Thị Tư đã xây dựng và triển khai những chương trình, kế hoạch để giữ gìn, thực hành các giá trị văn hóa của người Tà Ôi.

Chị còn phối hợp cùng Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, Ban Quản lý Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam quảng bá, giới thiệu những di sản văn hóa của người Tà Ôi cũng như bảo tồn, phát huy những giá trị này trong đời sống thông qua các hội thảo, hội nghị quốc gia.

Với nhiều đóng góp tích cực của mình để góp phần hồi sinh và lan tỏa mạnh mẽ những giá trị văn hóa, dân gian của người Tà Ôi tưởng chừng như đã mai một và biến mất, năm 2015, chị Hồ Thị Tư đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Nghệ nhân Hồ Thị Tư đã sưu tầm biên soạn quy trình của 2 lễ hội lớn “Lễ hội A Da” và “Lễ hội A Riêu Piing” của người Pa Cô; 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ hát về quê hương A Lưới và chuyển dịch từ lời Việt sang lời Pa Cô; Sưu tầm và dàn dựng 8 vũ điệu cổ như: Pa dưn A Da (Mừng năm mới); Pâr chêêng còng (Cúng thần núi); Pa dưn Ku ru (Cúng thầy mo); Pa dưng Giàng Đạ (Cúng thần nước); Ra doóc (Mừng hội A Riêu Piing); Choan Đung (Mừng nhà mới) Pa dưng Tâng kyn (Cúng thần làng); Chật Ty rịa (Đâm trâu); Xâr Pi đay (Lên nương); Pôộc ta túa (Xúc cá); Taanh ân nai (Dệt dèng)…

Theo doithoaiphattrien.vn