KINH NGHIỆM CỦA HÀN QUỐC TRONG TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Đăng lúc: 2025-02-25 09:22:00 | Bởi: admin | Lượt xem: 70 | Chuyên mục: Kinh tế

Trong hơn 60 năm qua, Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc về năng lực khoa học và công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực và hệ thống khoa học công nghệ ở một mức độ chưa từng có trên thế giới. Thống kê cho thấy tổng số nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc cao hợp 20% so với Pháp và Vương quốc Anh; số lượng đăng ký bằng sáng chế của Hoa Kỳ bằng với Đức. Hàn Quốc đã phát triển thành một quốc gia khoa học và công nghệ lớn đứng thứ 2 về tổng chi tiêu cho R&D (Research and Development – Nghiên cứu và Phát triển) so với GDP, xếp thứ 6 về tổng số nhà nghiên cứu, thứ 3 về bằng sáng chế đăng ký của Hoa Kỳ và thứ 12 về số lượng các bài báo học thuật quốc tế.

Để đạt được thành tựu như hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực tìm ra phương hướng và con đường phát triển tối ưu cho khoa học và công nghệ Hàn Quốc.
 
Anh1

Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ

Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra những định hướng phát triển khoa học và công nghệ cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong đó, Chính phủ Hàn Quốc xác định, sự phát triển của khoa học công nghệ là một phần không thể thiếu và gắn liền với sự phát triển kinh tế.

Giai đoạn từ những năm 1960 đến đầu thế kỷ XXI: Hàn Quốc xây dựng phát triển khoa học và công nghệ gắn với phát triển công nghiệp và công nghệ lĩnh vực cao.

Vào tháng 2 năm 1966, viện nghiên cứu toàn diện hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc là Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) được thành lập. Tại đây, những tài năng xuất sắc đã tập trung tại KIST và họ đã để lại dấu ấn lớn trong sự phát triển của ngành công nghiệp Hàn Quốc bằng cách tập trung vào nghiên cứu phát triển công nghệ công nghiệp.

Từ những năm 70 của thế kỷ 20, nhiều viện nghiên cứu khác nhau tại Hàn Quốc đã được thành lập để hỗ trợ các ngành công nghiệp trong việc tiếp thu và cải tiến các công nghệ phù hợp với sản xuất. Để giúp các ngành công nghiệp phát triển, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các viện nghiên cứu trong lĩnh vực máy móc hạng nặng và hóa chất, chẳng hạn như Viện Máy móc và Kim loại (KIMM), Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông, Viện Nghiên cứu Công nghệ Hóa học Hàn Quốc (KRICT), Viện Nghiên cứu Tiêu chuẩn và Khoa học (KRISS), Viện Nghiên cứu Năng lượng Hàn Quốc (KIER), Viện Nghiên cứu và Phát triển Đại dương Hàn Quốc (KORDI)...

Bên cạnh các nhiệm vụ nghiên cứu được giao, các viện này có trách nhiệm làm việc với các nhà sản xuất công nghiệp tư nhân trong việc xây dựng nền tảng công nghệ cho phát triển công nghiệp đất nước.

Nhờ có đội ngũ chuyên gia nghiên cứu có trình độ và chuyên môn cao, Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp thu và cải tiến các công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài. Các kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học tại các Viện nghiên cứu được chuyển giao trực tiếp cho các nhà sản xuất công nghiệp. Họ đã giúp các ngành công nghiệp có được công nghệ mới và đóng góp xây dựng năng lực R&D cho đất nước, nhiều nhà khoa học đã thành danh và công tác tại nước ngoài. Kết quả, cuối những năm 70 của thế kỷ XX, 20 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc là đóng tàu, chất bán dẫn, TV, đài cát-xét…

Hoạt động R&D công nghiệp ở Hàn Quốc tập trung cao ở các doanh nghiệp lớn. Hai mươi các công ty lớn nhất chiếm 55,73% tổng số R&D sản xuất, mười công ty hàng đầu chiếm 50,2% và năm công ty hàng đầu là 44,3%. Trong nhóm linh kiện điện tử, 2 công ty hàng đầu có thị phần là 91,4%. Mức độ tập trung cực cao của R&D công nghiệp là một tác động trực tiếp phản ánh cơ cấu công nghiệp định hướng doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Năm công ty hàng đầu về R&D với khoản đầu tư khủng là Samsung Electronics, LG Electronics, Hyundai Motors, Hynix và GM Daewoo Auto và Technology.

Những nỗ lực R&D cũng đã góp phần vào sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao ở Hàn Quốc. Khả năng cạnh tranh công nghệ của Hàn Quốc trong chất bán dẫn, màn hình, điện thoại di động, máy tính, thiết bị viễn thông… một phần là kết quả của việc Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác giữa ngành công nghiệp với R&D.

Vào cuối những năm 1980, khi các lĩnh vực công nghệ cao mới xuất hiện ở Hàn Quốc, các viện nghiên cứu do chính phủ tài trợ mới được thành lập như Viện Nghiên cứu Điện tử Viễn thông (1985), Viện Nghiên cứu Khoa học Sinh học và Công nghệ Sinh học Hàn Quốc (1985), Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (1989), Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (1989)… Hiện nay, 25 các viện nghiên cứu do chính phủ Hàn Quốc tài trợ đều có liên kết với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Giai đoạn mới hiện nay: Căn cứ trên nhu cầu thực tế và sự phát triển của xã hội hiện đại, năm 2021 Hàn Quốc đã xây dựng và lựa chọn 12 công nghệ chiến lược quốc gia bao gồm: sản xuất chất bán dẫn và màn hình, nghiên cứu tế bào thứ cấp, dịch vụ di dộng tiên tiến, công nghệ sinh học tiên tiến, hàng không vũ trụ và hàng hải, Hydro, an ninh mạng, AI, truyền thông thế hệ mới, robot và sản xuất tiên tiến, công nghệ lượng tử.

Ngoài việc lựa chọn 12 công nghệ chiến lược, 50 công nghệ phụ trợ cụ thể chẳng hạn như chất bán dẫn, AI và sinh học tổng hợp đều là những công nghệ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và đã được xác định các định hướng phát triển công nghệ từ ngắn hạn đến trung hạn.

Những nhóm ngành trên được Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên mở rộng đầu tư vì là các ngành có nhu cầu  tăng trưởng cấp bách. Họ xây dựng và xác định các chiến lược, mục tiêu của từng lĩnh vực khoa học công nghệ.

Trên cơ sở các ngành khoa học và công nghệ được Chính phủ đưa vào danh sách chiến lược phát triển, các ngành khoa học sẽ tham gia vào quá trình phát triển tổng thể trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Các kế hoạch và chiến lược của từng Bộ sẽ được kết nối với Hệ thống xúc tiến công nghệ chiến lược quốc gia để hỗ trợ phát triển công nghệ, đổi mới quy định và tạo hệ sinh thái ngành.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch chỉ định và xây dựng trung tâm hợp tác công nghiệp - Học viện - Viện nghiên cứu có tính đến năng lực và đặc tính công nghệ. Các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học sẽ được tạo điều kiện để nuôi dưỡng tài năng, mở rộng hợp tác với các đơn vị liên quan và tích lũy công nghệ thông qua các nghiên cứu dài hạn ổn định. Chính phủ sẽ hỗ trợ thành lập các phòng thí nghiệm nghiên cứu hợp tác doanh nghiệp trong viện nghiên cứu hoặc trong khuôn viên trường để tăng cường hợp tác trong các ngành, các bộ phận và phát triển công nghệ cơ bản. Các viện nghiên cứu do chính phủ tài trợ sẽ đóng vai trò là nền tảng bảo đảm công nghệ chiến lược và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính họ trong quá trình này. Các viện sẽ tiếp thêm sinh lực cho các nghiên cứu tích hợp với nhau và đưa ra các nhiệm vụ nghiên cứu theo định hướng nhiệm vụ thông qua Ủy ban Chiến lược R&D.

Ngoài ra, các đặc khu và quận dành cho đổi mới công nghệ tại địa phương nơi các viện nghiên cứu và trường đại học do chính phủ tài trợ có thể hợp tác sẽ được thành lập để hỗ trợ công nghiệp hóa công nghệ chiến lược, chẳng hạn như trao đổi công nghệ và xây dựng các cơ sở phòng thí nghiệm.

Chính phủ sẽ giám sát các đơn vị, các nhà nghiên cứu khoa học bằng các đánh giá về hiệu suất công nghệ, các dự án R&D, kiểm tra giấy tờ, bằng sáng chế. 
 
Anh2

Chính sách phát triển và hỗ trợ nhân lực khoa học công nghệ tại Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc nhận thấy rằng nguồn lực khoa học và công nghệ rất khan hiếm, vậy nên ngay từ đầu họ đã nỗ lực hết sức để mở rộng đầu tư cho R&D và mở rộng nhân lực khoa học và công nghệ. Kết quả là nguồn lực khoa học và công nghệ (đầu tư, nhân lực) của Hàn Quốc được mở rộng với tốc độ chưa từng thấy trên thế giới.

Ban đầu, khoa học và công nghệ được phát triển dưới sự lãnh đạo của chính phủ, nhưng dần dần khu vực tư nhân đã hoàn toàn chuyển đổi thành một hệ thống phát triển nổi trội, là một trung tâm của R&D.

Tại Hàn Quốc, các ngành công nghiệp tư nhân được tham gia vào quá trình R&D và đổi mới. Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy các chính sách khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp tư nhân. Năm 1980, chỉ có 321 phòng thí nghiệm R&D công nghiệp với 5.100 nhà nghiên cứu, trong đó chỉ có 56 người là tiến sỹ và có bằng cấp. Tuy nhiên, số lượng các viện nghiên cứu trực thuộc công ty tư nhân đã tăng lên nhanh chóng sau sự bùng nổ vào cuối những năm 1990. Kết quả là, nó đã lập kỷ lục vượt quá 5.000 vào năm 2000, 10.000 vào năm 2004 và 30.000 vào năm 2014. Tính riêng năm 2007, các công ty tư nhân sử dụng hơn 190.000 nhà nghiên cứu, trong đó có khoảng 10.000 tiến sỹ, người có bằng cấp. Trong đó, các viện nghiên cứu trực thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì mức tăng lớn hàng năm, chiếm 96% tổng số tính đến tháng 9/2018.

Để đưa ra các chính sách phát hiện và bồi dưỡng nhân tài một cách có hệ thống, Chính phủ Hàn Quốc đã phân tích chi tiết hiện trạng nguồn nhân lực như số lượng các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu và trình độ nghiên cứu của họ. Dựa trên phân tích, các chính sách sẽ được điều chỉnh cho phù hợp như cải thiện quy định, xây dựng các chương trình giảng dạy tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và nhu cầu đối với từng lĩnh vực khoa học công nghệ.

Dựa trên phân tích, các biện pháp đảm bảo nhân tài tùy chỉnh như cải thiện quy định, tạo chương trình giảng dạy và thiết lập hệ thống sẽ được thúc đẩy khi xem xét mức độ phát triển công nghệ.

Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống giáo dục riêng về khoa học và công nghệ, tách biệt với hệ thống giáo dục trung học và đại học hiện có. Bên cạnh việc mở rộng các khóa đào tạo sau đại học tại Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), các trường trung học và đại học khoa học và công nghệ cũng được thành lập, hình thành nên hệ thống đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư xuất sắc. Học sinh, sinh viên ở những trường này còn được cấp học bổng và miễn giảm nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, Viện Công nghệ Hàn Quốc (KIT) đã mở chương trình nội trú miễn phí dành cho học sinh tốt nghiệp trường trung học khoa học và các học sinh tài năng. Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực để liên kết KAIST, KIT và các trường trung học khoa học để đưa ra chương trình giáo dục toàn diện cho những sinh viên có năng khiếu về khoa học. Một “điển hình” trong thu hút hiệu quả nhân tài Hàn kiều để nhanh chóng nâng cao năng lực nghiên cứu là Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH), được thành lập dưới sự tài trợ của Pohang Jecheol (sau này là POSCO). Điều này đã tạo ra mô hình liên kết ngành công nghiệp - trường đại học, giữa các trường đại học và các doanh nghiệp.

Chính phủ Hàn Quốc cũng ban hành các luật về tăng cường đào tạo nhân lực công nghệ cao, với tiêu chí các khóa đào tạo phải đi đôi với giáo dục chính thống và gắn với ngành công nghiệp trọng điểm, khuyến khích cả doanh nghiệp và cá nhân có thể phát triển các trường, khóa học và chương trình đào tạo chất lượng... Hàn Quốc cũng thực hiện Dự án bồi dưỡng nhóm nghiên cứu xuất sắc, bắt đầu từ năm 1990. Đây là dự án bồi dưỡng các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực cụ thể và đóng góp to lớn vào việc bồi dưỡng các tổ chức nghiên cứu của trường đại học tại quốc gia này. Tới những năm 2000, chính phủ đã tập trung vào việc hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo của các cá nhân và nhóm nghiên cứu xuất sắc để thúc đẩy nghiên cứu cơ bản sáng tạo.

Để đạt được mục tiêu này, các nỗ lực đã được thực hiện để đảm bảo nguồn nhân lực xuất sắc có khả năng cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến, thúc đẩy những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ, thúc đẩy các trường đại học định hướng nghiên cứu tập trung vào các trường sau đại học, mở rộng đào tạo ở nước ngoài cho các tài năng xuất sắc trong nước, và thu hút và sử dụng những tài năng nước ngoài xuất sắc. Hàn Quốc tích cực đẩy mạnh đào tạo nhân lực kỹ sư ở nước ngoài. Nhiều nhà khoa học, các nghiên cứu sinh của Hàn Quốc đến các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức… làm việc và học hỏi được rất nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Lấy thành công của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc làm gương, các trường đại học chuyên ngành khoa học và công nghệ đã được thành lập ở mỗi vùng. Là một trường đại học tư nhân định hướng nghiên cứu, Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang được thành lập năm 1986, Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju thành lập năm 1995, Viện Khoa học và Công nghệ Daegu-Gyeongbuk thành lập năm 2011 và Viện Khoa học và Công nghệ Ulsan mới thành lập năm 2015 theo sau. Kết quả là, hiện có 5 trường đại học chuyên ngành khoa học và công nghệ hướng tới trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, chính phủ thúc đẩy dự án xây dựng và phát triển các trường đại học định hướng nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Dự án này được thúc đẩy để đổi mới môi trường giáo dục và nghiên cứu của các trường đại học bằng cách thu hút các học giả nước ngoài có năng lực nghiên cứu xuất sắc và nuôi dưỡng các trường đại học định hướng nghiên cứu đẳng cấp thế giới tạo ra những thành tựu xuất sắc. Từ năm 2008 đến năm 2012, tổng cộng 33 trường đại học đã hỗ trợ 140 dự án và tổng số 342 học giả nước ngoài đã được mời, trong đó có 9 người đoạt giải Nobel.

Hàn Quốc cũng triển khai các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghiệp và đổi mới. Trong đó, trợ cấp cho nghiên cứu và phát triển chiếm 30% tổng số tiền cho các chương trình hỗ trợ; tiếp nhận chuyển giao công nghệ chiếm 13%; phát triển nguồn nhân lực chiếm 11%. Chính phủ cũng cung cấp các khoản vay ưu đãi cho hoạt động này với số tiền lên tới hàng tỷ USD, cùng một số chương trình khác, như: Hỗ trợ trả lương, giảm thuế nhập khẩu, miễn thuế của địa phương, miễn thuế thu nhập cá nhân cho kỹ sư nước ngoài...
 
Anh3

Kết luận

Để có sự phát triển vượt bậc như hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết kế và triển khai nhiều công cụ chính sách chuyên sâu để nhanh chóng thúc đẩy và nâng cao trình độ năng lực phát triển khoa học và công nghệ, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế. Các sản phẩm, các ứng dụng của khoa học công nghệ đều được đưa vào thực tiễn phục vụ sản xuất và phát triển đất nước. Hàn Quốc cũng thành lập các quỹ phát triển công nghệ khác nhau dưới các hình thức như trợ cấp trực tiếp, cho vay công nghệ và đầu tư. Hơn nữa, chính phủ đã nỗ lực giải quyết các vấn đề về nguồn nhân lực bằng cách cung cấp cho các nhà nghiên cứu những điều kiện tốt nhất và hỗ trợ tài chính, sử dụng hệ thống nhà nghiên cứu chuyên biệt cho từng lĩnh vực.

Tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của đất nước Hàn Quốc đã được khẳng định. Vấn đề giáo dục, đào tạo nghiên cứu và chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được ưu tiên hàng đầu. Đây là động lực và tiền đề giúp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ mang tính ứng dụng cao của Hàn Quốc, giúp họ đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, là ưu tiên số một trong chiến lược phát triển quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Hwang Yongsoo (2011), “Korean STI Policies in the Institutional Building Stage”, STI Policy Review, Vol.2, No.4.
  2. Ji Woong Yoon (2014), Evolution of Science and Technology Policy in Korea (Sự phát triển của chính sách khoa học và công nghệ ở Hàn Quốc), The Korean Journal of Policy Studies, Vol. 29, No. 1 (2014), pp. 147-172.
  3. Ministry Of Science And Ict of Korea (2021), Korea to announce national strategy to become a technology hegemon (Hàn Quốc công bố chiến lược quốc gia trở thành bá chủ công nghệ), www.msit.go.kr
  4. Myungsoo Park (2010), Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ cho tăng trưởng kinh tế: Nghiên cứu trường hợp của Hàn Quốc, Tạp chí Science Technology and Innovation Policy Review, Vol 1, No 1, 2010.
  5. Sang-Hyun Kim (2017), Science, Technology, and the Imaginaries of Development in South Korea, Development And Society, Volume 46, Number 2, September 2017, 317-347
  6. Sungchul Chung (2009), Innovation, Competitiveness and Growth: Korean Experiences, Annual Bank Conference On Development Economics Korea 2009.

Theo doithoaiphattrien.vn