Hiệu quả của mô hình đào tạo nghề trùng tu di tích
TTPT.VN - Phát triển nguồn nhân lực địa phương có trình độ trong công tác trùng tu, bảo tồn và quản lý các địa điểm khảo cổ; dựa trên phương châm “vừa học vừa làm”… là những mục tiêu quan trọng một lần nữa được khẳng định trong hội thảo “Chiến lược đào tạo và nghiên cứu nhằm bảo tồn phức hợp khảo cổ Tiểu vùng sông Mê Kông” diễn ra sáng nay 27.5.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: LINH HIỀN |
Hội thảo do Trường Đại học Bách khoa Milan (Ý) và Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam phối hợp tổ chức, nhân kết thúc giai đoạn 1 dự án “Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa”. Đến dự có các đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Chất lượng
Chính thức triển khai từ năm 2017, dự án “Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam” do Đại sứ quán Ý, Cơ quan Hợp tác phát triển Ý (AICS), Trường Đại học Bách khoa Milan phối hợp cùng UBND tỉnh, Trường Cao đẳng Công nghệ Quảng Nam tổ chức. Chương trình đào tạo chủ yếu tập trung vào công nghệ khảo cổ học, phục chế hiện vật, trùng tu và quản lý kiến trúc.
Tại khu đền tháp Mỹ Sơn, 2 di tích được chọn thực hành thực địa là tháp G4 (cho chương trình trùng tu kiến trúc) và nhóm tháp L (cho chương trình khai quật khảo cổ). Sau gần 6 tháng thực địa những nhiệm vụ thực hành kỹ thuật trong công tác khảo cổ, bảo tồn, nhất là những thuyết trình trong dự án về trùng tu tháp G4 và khai quật nhóm tháp L đã thật sự mang ý nghĩa nổi bật.
Khu tháp L Mỹ Sơn được lựa chọn làm nơi thực hành phương pháp khảo cổ. Ảnh: LINH HIỀN |
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, trong 2 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả hơn mong đợi. Nổi bật là đã đào tạo chuyên sâu nguồn giảng viên, cán bộ kỹ thuật và công nhân trên lĩnh vực trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa cho Quảng Nam nói chung, địa phương Duy Xuyên nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đào tạo trùng tu di sản, đóng góp những kiến thức quý giá trong công tác quản lý bảo tồn kiến trúc Chăm Mỹ Sơn.
“Những kết quả của dự án trùng tu tháp G4 là sự kế thừa, định hình và khẳng định lại những ưu việt của dự án trùng tu nhóm tháp G diễn ra trong 10 năm trước đây (2003 - 2013) của các chuyên gia Italia. Riêng đối với nhóm tháp L, dự án đã thực sự mở ra nhiều điều mới mẻ về giá trị bí ẩn trong lòng đất của khu di tích Mỹ Sơn. Đặc biệt, những kiến thức chuyên sâu về các chính sách quản lý, bảo vệ và bảo tồn các di sản mà các khóa đào tạo mang lại là điều hết sức thú vị. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn của Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn sau này” - ông Hộ khẳng định.
Nâng cao tính chuyên nghiệp
Có thể khẳng định, việc đào tạo nguồn lực bảo tồn có vai trò rất quan trọng. Ông Mauro Cucarzi - Giám đốc Quỹ Lerici chia sẻ, việc đào tạo nguồn lực bảo tồn luôn nằm trong các dự án xây dựng năng lực của UNESCO. Trong đó, dự án “Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam” đã đạt được nhiều hiệu ứng tích cực, như đưa việc học đi đôi với hành, sử dụng các di sản làm nơi giảng dạy… Đặc biệt, Quỹ Lerici đã hình thành hệ thống “cơ sở dữ liệu quản lý di tích” nhằm đánh giá rủi ro các khu vực khảo cổ và cung cấp công cụ cho các nhà quản lý di tích không chỉ ở Việt Nam mà cả một số nước Đông Nam Á.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, trong vòng 2 năm, dự án đã tổ chức được 3 lớp học: lớp đào tạo kỹ thuật viên, lớp đào tạo giảng viên và lớp đào tạo công nhân kỹ thuật. Riêng trong số 38 học viên tham gia lớp đào tạo kỹ thuật viên, dự án đã lựa chọn ra 10 học viên xuất sắc để tham gia lớp đào tạo giảng viên. Với lớp đào tạo công nhân kỹ thuật, dự án cũng đã đào tạo thành công 36 học viên là người dân địa phương đang làm việc tại Mỹ Sơn hoặc sinh sống tại các vùng đất có di tích Chăm.
Ngoài ra, với phương pháp vừa học lý thuyết vừa tham gia thực địa nghiên cứu đo vẽ, khai quật, bảo tồn hiện vật, trùng tu di tích, các khóa học của dự án đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực từ các ban quản lý di tích, di sản tại nhiều tỉnh thành như Đà Nẵng, Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận…
Dự án đã góp phần đào tạo ra lực lượng công nhân trùng tu lành nghề cho Quảng Nam. Ảnh: LINH HIỀN |
GS-TS. Mariacristina Giamnruno - Trưởng khoa Kiến trúc và phát triển đô thị, Đại học Bách khoa Milan khẳng định, hội thảo chính là cột mốc quan trọng trong công tác đào tạo nghề trùng tu di tích; là cơ hội làm rõ vấn đề quan trọng hiện nay: di sản văn hóa của một quốc gia thể hiện bộ mặt của quốc gia. Do vậy, để giữ bản sắc riêng cần có sự tham gia của các chuyên gia nhằm mục tiêu đảm bảo mỗi quốc gia có khả năng tự quản lý di sản của mình theo những tiêu chuẩn quốc tế.
“Chính phủ Ý luôn hỗ trợ trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa. Trong đó, dự án chính là sự bắt đầu nhằm xây dựng năng lực ở các cấp độ khác nhau và đào tạo những chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực bảo tồn. Bởi công tác bảo tồn luôn là một chủ đề phức tạp, chúng tôi nghĩ cộng đồng cần phải ghi nhận và có sự nỗ lực cùng. Đây chắc chắn là con đường dài lâu, liên tục đòi hỏi sự bền bỉ để chuyển đổi những giá trị, tạo ra những giá trị tốt nhất cho cộng đồng” - GS-TS. Mariacristina Giamnruno chia sẻ.