Giáo dục di sản: Chuyện còn để ngỏ? (Bài cuối): Tìm lời giải cho câu chuyện giáo dục di sản

Đăng lúc: 2019-10-29 16:35:56 | Bởi: admin | Lượt xem: 0 | Chuyên mục: Tinh hoa nghề Việt

TTPT.VN - Tại Kết luận số 82-KL/TU ngày 30/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2025 đã chỉ rõ: “UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về hệ thống di sản văn hóa của tỉnh Thanh Hóa đến học sinh, sinh viên thông qua việc đưa vào chương trình học tập chính khóa và ngoại khóa trong các trường học…”. Có nghĩa, giáo dục di sản trong trường học không còn là câu chuyện “mạnh ai nấy làm”. Dẫu vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, để giáo dục di sản đạt hiệu quả, đó không thể là câu chuyện của riêng ngành giáo dục.

 

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút đông đảo các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử..JPG

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút đông đảo các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Đưa di sản vào trong trường học

Là quê hương của di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trò diễn Xuân Phả,  xã Xuân Trường (Thọ Xuân), từ người già đến trẻ nhỏ đều biết đến trò diễn mang sắc thái văn hóa cung đình vô cùng độc đáo. Nơi đây, việc giáo dục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản được xem như nhiệm vụ không của riêng ai. Từ các thôn, làng đến trường học.

Ở Trường Tiểu học Xuân Trường, hàng năm trong những giờ học ngoại khóa nhà trường thường mời các phụ huynh (cũng là nghệ nhân) ở địa phương đến trường để truyền dạy cho các cháu học sinh. Thông qua việc truyền dạy, học sinh sẽ hiểu được ý nghĩa cụ thể của không chỉ trò Xuân Phả nói chung mà còn ở từng tích trò nói riêng. Bởi vậy dễ hiểu vì sao, ở Xuân Trường, dù mới chỉ học lớp 4, 5 nhưng nhiều cháu đã có thể biểu diễn nhuần nhuyễn các động tác của trò Xuân Phả. Thông qua việc giáo dục trong nhà trường, địa phương đã “ươm mầm” được thế hệ kế cận di sản văn hóa tiền nhân trong tương lai. Thiết nghĩ, nếu các địa phương nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ hội, trò diễn...) đều chú trọng việc đưa di sản vào trong trường học để giáo dục cho học sinh thì câu chuyện tìm kiếm “hạt nhân trẻ” liệu có thực sự khó khăn như hiện nay?

Không chỉ ở Thọ Xuân, ngay giữa trung tâm TP Thanh Hóa cũng có một trường học đã đưa trò diễn Xuân Phả vào trong nhà trường, bước đầu giới thiệu, truyền dạy cho học sinh. Đó là Trường Tiểu học Ba Đình. Giữa không gian thành phố chật hẹp, vì không được tiếp xúc, không quan tâm nên không ít giá trị văn hóa đặc sắc của người xưa để lại đang dần trở nên xa lạ với những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Trước thực tế này, từ đầu năm học 2018 - 2019, sau khi tuyên truyền đến cha mẹ học sinh về sự cần thiết phải giáo dục di sản bên cạnh dạy văn hóa, nhà trường đã được hầu hết phụ huynh hưởng ứng, ủng hộ. Trò diễn Xuân Phả đã được lựa chọn để giới thiệu cho học sinh trong trường và mời nghệ nhân trò Xuân Phả (Xuân Trường) xuống trường. Trong các hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa tập hợp học sinh toàn trường để nghệ nhân giới thiệu, giảng giải về trò diễn và truyền dạy một số động tác, tích trò cơ bản đến các em. Từ việc đưa di sản đến gần học sinh, giúp các em hiểu ý nghĩa của di sản thì câu chuyện khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa trăm năm của người xưa cũng không phải quá xa xôi.

Chia sẻ về việc đưa trò diễn Xuân Phả tích hợp trong hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường, bà Đỗ Thị Hạnh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình cho biết: “Để việc đưa di sản vào nhà trường được thực hiện thì đầu tiên phải ở sự quan tâm nhìn nhận của lãnh đạo đơn vị, cùng với sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, có như vậy thì những khó khăn như kinh phí, con người... mới có thể từng bước được tháo gỡ”. Cũng theo lãnh đạo nhà trường, không chỉ quan tâm giáo dục di sản văn hóa phi vật thể, những năm trở lại đây, nhà trường còn thường xuyên chú trọng đến việc cho học sinh đi tham quan trải nghiệm ở các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh như: Khu di tích Lam Kinh; đồi Quyết Thắng; cầu Hàm Rồng; Bảo tàng tỉnh... mỗi chuyến đi đều được chuẩn bị rất kĩ lưỡng với chủ đề, mục đích cụ thể và sau khi kết thúc thì học sinh được viết bài thu hoạch về di sản, điểm đến như một bài học.

Giáo dục di sản không phải chuyện mới, cũng không phải vấn đề chỉ của riêng Thanh Hóa, điều quan trọng chính là hành động thế nào để đạt kết quả. Tại Hà Nội năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa trong các trường học. Sau một năm triển khai, kết quả bước đầu ghi nhận “đã có hơn 19 nghìn học sinh tham gia các chương trình trải nghiệm. Chưa kể khoảng 100 nghìn lượt học sinh tham quan Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa theo các hoạt động khác”.

So sánh có thể là khập khiễng, song Thanh Hóa hiện có hơn 2.100 trường học các cấp với trên 850 nghìn học sinh trong tổng số gần 3,7 triệu dân cả tỉnh. Nếu mỗi năm, chỉ một phần nhỏ học sinh trong tỉnh được tổ chức đến với các di sản, di tích trọng điểm gắn liền với việc học, trải nghiệm thực tế thì con số có lẽ cũng là rất lớn.

Trao đổi về câu chuyện giáo dục di sản trong nhà trường, ông Trịnh Văn Tâm - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Một chương trình cụ thể phối hợp giữa ngành giáo dục và các trung tâm bảo tồn, BQL di tích trong việc giáo dục di sản đến thời điểm hiện tại là chưa có. Tuy nhiên, nội dung về giáo dục di sản có những hàm lượng nhất định trong các môn học, nhưng việc dạy thế nào thì lại phụ thuộc vào giáo viên đứng lớp. Nghị quyết 29 của Trung ương về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng chỉ rõ tầm quan trọng của việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Hiện nay, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang xây dựng bộ tiêu chí ở từng cấp học, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng đơn vị trường học trong việc nâng cao chất lượng đại trà và giáo dục toàn diện”.

Giáo dục di sản phải gắn liền với việc học, trải nghiệm thực tế mới đem lại hiệu quả cao..JPG

Giáo dục di sản phải gắn liền với việc học, trải nghiệm thực tế mới đem lại hiệu quả cao.

Cần có những nội dung giáo dục di sản cụ thể

Giáo dục di sản trong nhà trường nói riêng, cộng đồng nói chung đã đến lúc cần phải làm, chứ không dừng lại ở việc nghĩ đến. Tuy nhiên, phải giáo dục như thế nào để thực sự đạt hiệu quả?

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa đưa ra quan điểm nhìn nhận: “Đã nói đến giáo dục nói chung và giáo dục di sản nói riêng thì đương nhiên phải có “cái tác động” và đối tượng thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng là học sinh, người dân. Nhưng phải giáo dục thế nào, nếu cứ nói chung rồi bỏ mặc các cô giáo, người có trách nhiệm “tự bơi” là rất khó. Nên chăng, cần phải xây dựng, biên soạn những nội dung cụ thể về di sản (hình ảnh, tư liệu) sau đó phổ biến đến các địa phương, trường học. Đó có thể xem như “bộ công cụ” để những người có trách nhiệm căn cứ vào đấy mà giáo dục đến học sinh, cộng đồng”. Có như vậy, giáo dục di sản mới thoát khỏi lối mòn chung, nói nhiều, làm ít, nặng tính hô hào.

Nhưng, ngay cả khi chúng ta đã có “tài liệu” hỗ trợ cụ thể thì việc giáo dục di sản ai dám chắc sẽ đạt hiệu quả nếu như không bắt buộc có sự thay đổi trong nhận thức của những người có trách nhiệm.

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa luôn đặc biệt quan tâm tới vấn đề di sản. Với quan điểm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng của tỉnh, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước.  Tuy nhiên, tại Kết luận số 82 cũng chỉ ra, nguyên nhân chính dẫn đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh còn tồn tại, hạn chế là do “một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức...”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Muốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản, giáo dục di sản trong nhà trường, cộng đồng đạt kết quả thì vai trò của người lãnh đạo, đứng đầu là vô cùng quan trọng. Nếu người lãnh đạo còn chưa nhận thức được tầm quan trọng thì cấp dưới sao có thể học theo. Bởi vậy, từ việc thay đổi nhận thức, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị... Nghiên cứu đưa việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thực sự đạt hiệu quả, không thể không xem giáo dục di sản là nhiệm vụ quan trọng. Và mục tiêu đặt ra của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2017 - 2020 là “100% trường học từ tiểu học đến bậc đại học tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hệ thống di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến học sinh, sinh viên; 100% người dân địa phương sống trong khu vực có di tích được cung cấp những kiến thức cơ bản về di tích và tham gia vào các hoạt động bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật”.

Giáo dục di sản cũng như câu chuyện dạy làm người, dạy văn hóa, hiệu quả không thể nhìn thấy trong ngày một, ngày hai và trách nhiệm cũng không chỉ của riêng nhà trường, gia đình, xã hội. Đó phải là sự cộng đồng trong ý thức và hành động. Có như vậy, câu chuyện giáo dục gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản của tiền nhân mới thực sự đạt kết quả.

Theo doithoaiphattrien.vn