Giáo dục di sản: Chuyện còn để ngỏ? (Bài 3): Khó khăn “bó chân” giáo dục di sản

Đăng lúc: 2019-10-28 10:15:39 | Bởi: admin | Lượt xem: 0 | Chuyên mục: Tinh hoa nghề Việt

TTPT.VN- Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản, khơi dậy niềm tự hào của hậu thế với công lao của các bậc tiền nhân thì giáo dục di sản là quan trọng và cần thiết. Tuy vậy, có vô vàn lí do được nêu ra nhằm giải thích cho thực tế “hời hợt” trong công tác giáo dục di sản ở các nhà trường hiện nay. Bên cạnh, sự đơn điệu, thiếu các hoạt động bổ trợ trải nghiệm cũng được xem là “điểm trừ” trong hệ thống các di tích, điểm đến... khiến cho giáo dục di sản ở các di tích, bảo tàng chưa thực sự hấp dẫn đối với đối tượng học sinh, sinh viên.

Nhiều cái khó “bó chân”

Nếu lịch sử là môn học “cứng” bắt buộc trong chương trình học các cấp thì giáo dục di sản được xem như môn học “mềm”. Mềm ở đây được hiểu là sự linh động trong phương pháp tiếp cận, đối tượng và thời gian học. Và yếu tố “mềm” ở đây cũng được hiểu ở sự bổ trợ hiệu quả cho những môn học cứng như Lịch sử, Địa lý... Ví dụ, khi dạy học sinh về giai đoạn lịch sử Trần - Hồ đầy biến động, cùng với bài học trên lớp, nếu học sinh được tham quan trải nghiệm thực tế tại Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, gắn với câu chuyện hiện tình suy vi của nhà Trần, lí do khiến Hồ Quý Ly quyết định dời đô từ Thăng Long về Tây Đô (Thanh Hóa), dựng lên tòa thành đá kì vĩ cùng quyết tâm nhằm chống lại quân xâm lược nhà Minh. Đó đâu chỉ là tham vọng mà cao hơn có lẽ là ước vọng của đấng quân vương... Khi học sinh được học, được trải nghiệm thực tế ngay ở di sản thì chẳng phải chỉ nội dung học trở nên hấp dẫn mà ngay cả di sản cũng có cơ hội “định vị” trong lòng những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Và chắc chắn, nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với nỗ lực nhồi nhét lí thuyết sách giáo khoa cứng nhắc. Nói là vậy, song lí do tại sao giáo dục di sản gắn với trải nghiệm thực tế vẫn khó thực hiện?

Cần phải khẳng định, giáo dục di sản không phải thuật ngữ mới xuất hiện, cũng không phải chỉ đôi lần được nhắc đến. Nhưng với các trường học và ngay cả cấp phòng chuyên môn thì việc nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động dường như còn khá mơ hồ. Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, việc chỉ đạo đưa giáo dục di sản vào trong trường học vẫn chủ yếu được nhắc đến theo kiểu “chú trọng giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc...”. Bởi vậy, cũng thật khó trách các nhà trường mỗi nơi một kiểu.

Ông Lê Thành Đồng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa cho biết: “Những năm qua, TP Thanh Hóa đã xây dựng đề án “Du lịch giáo dục” với định hướng các trường học cho học sinh tham quan trải nghiệm các di tích, điểm đến như Bảo tàng tỉnh, làng cổ Đông Sơn... đề án bắt đầu được triển khai từ năm học 2017 - 2018. Tuy nhiên, việc triển khai ở các đơn vị trường học ra sao thì lại phụ thuộc vào điều kiện của mỗi nhà trường. Bởi nguồn kinh phí nhà nước cấp hàng năm nằm chung trong nguồn chi nghiệp vụ, chắc chắn không thể đủ cho việc tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm di sản nếu không huy động được nguồn xã hội hóa. Vậy nên, về góc độ chuyên môn, phòng chỉ có thể đề nghị các nhà trường nghiêm túc thực hiện”.

Giáo dục di sản cho học sinh trong nhà trường cần được thẳng thắn nhìn nhận đúng mức.

Quay trở lại câu chuyện giáo dục di sản ở Trường THCS Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thu Hải khẳng định: “Trường THCS Hàm Rồng may mắn nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt với quần thể các di tích, danh thắng lớn của tỉnh. Ngoài việc tổ chức cho học sinh tham quan các di tích, điểm đến ngay tại địa phương thì triển khai thực tế trải nghiệm ở các di sản khác là chưa thể thực hiện”. Nguyên nhân chính được xác định là câu chuyện nguồn kinh phí: “Để tổ chức cho học sinh đi thực tế ở các di sản nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp chi cho hoạt động nghiệp vụ trong nhà trường là không thể, bắt buộc phải kêu gọi nguồn xã hội hóa đóng góp. Đây là vấn đề “nhạy cảm” nếu thông tin triển khai đến phụ huynh không khéo rất dễ gây hiểu nhầm và dư luận trái chiều”. Và sự khó khăn về “kinh phí” cũng là lí do chính được hầu hết các nhà trường nêu ra nhằm lí giải cho việc giáo dục di sản gắn với trải nghiệm thực tế khó thực hiện.

Bên cạnh, câu chuyện về quản lý con người cũng được đặt ra. Làm thế nào để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình di chuyển, rồi vệ sinh ăn uống cho các cháu... rất nhiều vấn đề phát sinh có thể xảy ra. Vì e ngại, phiền phức... Nên vì vậy mà giáo dục di sản trong trường học hiện nay đã và vẫn chủ yếu được hiểu một cách đơn sơ nhất: lồng ghép vào những giờ học trên lớp.

Tuy nhiên, đến cả việc lồng ghép với các môn học khác cũng chưa hẳn đã có thể thực hiện dễ dàng. Cô giáo Lê Thị Luyến - giáo viên Lịch sử Trường THCS Hoằng Thắng (huyện Hoằng Hóa) chia sẻ: “Mỗi tiết học trên lớp đều đã có nội dung cứng theo chuẩn chương trình sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT xây dựng, nếu giáo viên không tập trung vào nội dung thì rất dễ bị “cháy” giáo án. Bởi vậy, việc giáo dục di sản cho học sinh dù giáo viên có cố gắng thì cũng chỉ có thể dừng lại ở việc giới thiệu sơ qua. Và một yếu tố nữa là khả năng và trình độ của giáo viên. Bởi không phải giáo viên nào cũng hiểu tường tận về các di sản (vật thể, phi vật thể) để truyền đạt cụ thể cho học sinh”. Được biết, trong chương trình học của các trường hiện nay, mỗi tháng học sinh sẽ có 4 tiết học ngoại khóa. Song, ngay cả khi nhà trường ý thức được về tầm quan trọng của giáo dục di sản cho học sinh thì giờ học ngoại khóa cũng không thể chỉ dành riêng cho câu chuyện này.

Chưa nằm trong chương trình bắt buộc, thiếu thời gian, không có kinh phí... là những nguyên nhân khá hợp lí được nêu ra lí giải cho việc giáo dục di sản chưa thể được quan tâm và triển khai một cách hiệu quả. Chợt nhớ, có một nhà văn đã từng nói: “Trên mặt đất vốn dĩ làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Giáo dục di sản không khó khăn như việc tạo nên một con đường, chỉ là, cần đến sự trăn trở và quyết tâm hành động để vượt qua những khó khăn trên con đường mà kết quả vốn dĩ đã được biết trước. Chỉ vậy, nhưng liệu có phải là không thể?

Hoạt động trải nghiệm đơn điệu

Giáo dục di sản chưa được quan tâm đúng mức là thực tế. Bên cạnh trách nhiệm của ngành giáo dục, các nhà trường thì có lẽ, vấn đề cũng nằm ở ngay hoạt động của hệ thống di sản, điểm đến hiện nay.

Giá trị to lớn của hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở xứ Thanh là điều đã được khẳng định. Câu chuyện bảo tồn giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại cũng đã được thực hiện đúng theo quy định nhà nước. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ sức hấp dẫn của di sản với cộng đồng nói chung và giới trẻ, học sinh, sinh viên nói riêng thì lại là câu chuyện khác.

Chúng ta mong muốn thế hệ trẻ phải hiểu, trân trọng và tự hào về di sản cha ông. Kêu gọi ngành giáo dục phải chú trọng việc giáo dục di sản cho học sinh. Nhưng bản thân các di tích, điểm đến trong công tác phục vụ thì vẫn theo lối mòn cũ. Chưa có sự phân loại đối tượng phục vụ và tầm đón đợi cụ thể. Có nghĩa, sau một chặng đường dài đến với di sản, học sinh sẽ được nghe hướng dẫn viên thuyết trình giới thiệu về di sản theo mô típ nói - nghe bị động với chủ thể tiếp nhận, thiếu những hoạt động bổ trợ, tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian.

Một ví dụ, khi đến thăm Thành Nhà Hồ ngoài việc để học sinh ngắm nhìn tòa thành đá vĩ đại thì phải chăng rất cần có những hình ảnh bổ trợ để giúp các em hiểu hơn về nỗ lực của người xưa khi xây thành, cũng là để tạo nên niềm vui, xúc cảm cho chuyến đi trải nghiệm thực tế. Song, những hoạt động như vậy lại gần như chưa được chú trọng nhiều. Điều này khiến cho những chuyến tham quan trải nghiệm không tránh khỏi cảm giác nhàm chán, khó để lại ấn tượng. Làm mới hay thay đổi di sản là không thể, nhưng thay đổi cách tiếp cận, giới thiệu về di sản đến thế hệ trẻ là điều cần thiết.

Nếu ai từng đến đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hẳn sẽ không quên được sự thích thú. Tại đây, bên cạnh những hiện vật được trưng bày khá sinh động về cuộc sống, văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc anh em thì không gian sống cụ thể của mỗi dân tộc cũng được tái hiện đầy sinh động: nhà rông; nhà sàn; cầu khỉ; biểu diễn múa rối nước... Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại cũng được trang bị và áp dụng tối đa vào việc phục vụ nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan. Với cách làm này, mỗi người khi đến với bảo tàng đều chủ động trong việc tìm hiểu, học tập.

 

Kết hợp tham quan với tổ chức hoạt động trải nghiệm tại chỗ, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang cố gắng trong câu chuyện giáo dục di sản cho thế hệ trẻ.

Là một trong những Bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh sở hữu số lượng hiện vật lớn bậc nhất cả nước. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa với gần 30 nghìn hiện vật xuyên suốt các thời kì lịch sử, từ tiền sử, sơ sử... đến cận, hiện đại. Trong đó, riêng trống đồng đã gần 200 chiếc (lớn nhất cả nước). Tuy nhiên, vì không có không gian nên số lượng hiện vật được lựa chọn trưng bày thực tế để phục vụ khách tham quan tại đây chỉ khoảng trên 2.000, còn phần lớn đều đang phải lưu trong kho.

Nhằm tạo sự hứng khởi cho đối tượng học sinh, sinh viên khi đến đây, cùng với việc thuyết minh truyền thống thì các hoạt động trải nghiệm bổ trợ cũng bắt đầu được chú trọng, như: khi giới thiệu về trống đồng Đông Sơn, các em nhỏ sẽ được trải nghiệm “dập hoa văn” trên mặt trống, vẽ tranh hiện vật... tham gia trò chơi dân gian để tạo niềm vui và khơi dậy khả năng sáng tạo của mỗi em nhỏ. Vì thế, có những ngày điểm đến này ghi nhận đón tới hơn 500 lượt khách.

Dù chủ động thay đổi, nhưng cho đến lúc này thì mục tiêu đưa Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn trong câu chuyện giáo dục di sản thì lại còn nhiều khó khăn. Cùng với việc thiếu không gian trưng bày thì không gian nghỉ ngơi, cảnh quan tại bảo tàng cũng chưa thực sự thích hợp. Cùng với đó là điểm nhấn về số lượng hiện vật thể khối lớn phù hợp thị hiếu, sở thích của lứa tuổi học sinh cũng khá hạn chế... Giáo dục di sản cho giới trẻ nói chung sẽ đi về đâu? Đó có lẽ vẫn sẽ là một câu chuyện dài, chung chung và khó thực hiện nếu như không có sự chủ động thay đổi từ nhiều phía.

Theo doithoaiphattrien.vn