Giáo dục Di sản: Chuyện còn để ngỏ? (Bài 1): Di sản xứ Thanh - “sử Việt thu nhỏ”

Đăng lúc: 2019-10-17 09:58:40 | Bởi: admin | Lượt xem: 1 | Chuyên mục: Tinh hoa nghề Việt

TTPT.VN - Có một thực tế mà xã hội và ngành giáo dục cần phải thẳng thắn nhìn nhận: Lịch sử đang là môn học “kém hấp dẫn” với học sinh các cấp. Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử trong trường học, đã có rất nhiều giải pháp được nêu ra. Trong đó, giáo dục di sản, gắn liền việc học trên lớp với tham quan, trải nghiệm di sản, kết nối những địa danh, di tích, công trình sáng tạo của tiền nhân đã làm nên lịch sử dân tộc được xem là giải pháp hiệu quả. Song, việc giáo dục di sản trong trường học hiện nay liệu đã thực sự được quan tâm đúng mức? Và làm thế nào để giáo dục di sản mang lại kết quả như kì vọng... Rất nhiều câu hỏi đã, đang được đặt ra cần đến sự trăn trở nghiêm túc và cả những quyết sách kịp thời.

“Xứ Thanh là một Việt Nam thu nhỏ”, điều này có lẽ không chỉ đúng về mặt địa lý, địa hình. Ở đó, còn là câu chuyện gắn liền với lịch sử dân tộc. Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của người Việt, có giai đoạn nào mà vùng đất và con người xứ Thanh lại không lưu danh sử sách. Từ thuở núi Đọ, hang Con Moong đến văn hóa Đông Sơn rồi khởi nghĩa Bà Triệu, Dương Đình Nghệ và tiếp nối những Lê Đại Hành, Hồ Quý Ly, Lê Thái Tổ, vua Gia Long... Để đến hôm nay, trong số hơn 1.500 di tích trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê và xếp hạng cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể là những câu chuyện về lịch sử, người xưa. Đó thực sự là niềm tự hào, tài sản vô giá mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế.

Từ văn hóa Đông Sơn

Nhắc đến văn hóa Đông Sơn, người ta nhớ đến vùng đất với ngôi làng cổ bên bờ sông Mã. Năm 1924, lần đầu tiên những hiện vật đồ đồng được tìm thấy ở làng Đông Sơn (TP Thanh Hóa). Không lâu sau đó, với sự vào cuộc tìm kiếm  của các nhà khoa học, nghiên cứu, khảo cổ, năm 1934 lần đầu tiên người ta biết đến cái tên ngôi làng cổ Đông Sơn - nơi phát hiện ra những di vật đã được dùng để đặt tên cho một nền văn hóa thuộc thời đại kim khí phát triển vô cùng rực rỡ cách ngày nay khoảng trên 2000 đến 3000 năm.

Trong rất nhiều di vật còn lưu lại của văn hóa Đông Sơn thì trống đồng được xem là tiêu biểu nhất. Những hiện vật trống đồng Đông Sơn kích cỡ lớn, hình dáng cân đối, hài hòa thể hiện trình độ về kỹ năng và nghệ thuật. Đặc biệt, những hoa văn phong phú khắc họa trên trống đồng Đông Sơn miêu tả sinh động cuộc sống, sinh hoạt của con người thời kỳ dựng nước đã cung cấp tài liệu giúp hậu thế hiểu hơn về một thời kì mà người ta vẫn cho rằng “chìm trong đám mây mù của truyền thuyết”.

Và theo các nhà nghiên cứu, với sự phát triển của văn hóa Đông Sơn, nhà nước văn minh đầu tiên của người Việt cổ đã được hình thành: Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc. Chúng ta tự hào về lịch sử dựng nước của dân tộc từ thuở các Vua Hùng. Và niềm tự hào ấy với người dân xứ Thanh phải chăng còn được nhân lên khi hiểu rằng, bên bờ sông Mã từng xuất hiện một nền văn hóa sớm hơn cả thời kì các Vua Hùng dựng nước. Đặc biệt, nếu văn hóa Đông Sơn được xem là đỉnh cao của thời đại kim khí thì những di chỉ khảo cổ như núi Đọ; hang Con Moong đã khẳng định vùng đất Thanh Hóa còn là cái nôi sinh sống của người nguyên thủy.

Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ.

Đến quốc gia phong kiến độc lập

Năm 179 TCN, sự kiện thành Cổ Loa thất thủ đánh dấu thời kỳ gần 1000 năm Bắc thuộc của người Việt. Trong thời gian đằng đẵng ấy, khát vọng chống xâm lược phương Bắc, giành độc lập của người Việt như ngọn lửa hồng lúc âm ỉ, khi bùng cháy sẵn sàng thiêu rụi kẻ bành trướng. Trong đó, khởi nghĩa Bà Triệu diễn ra trên đất Cửu Chân (Thanh Hóa) vào đầu thế kỷ thứ III tuy bị kẻ thù đàn áp tàn bạo song đã giáng một đòn mạnh mẽ vào dã tâm quân xâm lược. Gần 1800 năm đi qua, đến hôm nay, hậu thế vẫn nhắc tên vị vua bà - một biểu tượng của sức mạnh, ý chí tinh thần tự tôn dân tộc. Và, ở thời nào cũng vậy, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Trải qua đêm trường nô lệ, năm 938, trên sông Bạch Đằng, Tiền Ngô Vương Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán xâm lược, chấm dứt gần 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kì quốc gia phong kiến độc lập của dân tộc Việt. Nhắc đến Ngô Quyền, không ai không nhắc đến người cha vợ Dương Đình Nghệ và lò võ Dương Xá trên đất Thanh Hóa.

Sau biến cố của nhà Đinh, đất nước Đại Cồ Việt một lần nữa không thoát khỏi sự nhòm ngó của nhà Tống ở phương Bắc. Lúc bấy giờ, Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn, chàng trai sinh ra và lớn lên trên quê hương Xuân Lập (Thọ Xuân) với khí chất, dũng mãnh và tài năng xuất chúng đã được triều đình trên dưới một lòng tôn lên ngôi vua, lập ra nhà Tiền Lê, lấy niên hiệu Lê Đại Hành.

Trong 24 năm trên ngôi báu, đức vua Lê Đại Hành đã mở ra thời kỳ hưng thịnh của quốc gia Đại Cồ Việt. Với những chiến công “phá Tống bình Chiêm”, ông không chỉ khiến nhà Tống hùng mạnh ở phương Bắc phải kiêng nể giữ hòa khí mà giặc Chiêm Thành ở phương Nam cũng chẳng dám mưu đồ gây hấn. Nói về vua Lê Đại Hành, sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi nhà họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy...”.

Với tham vọng xây dựng đất nước phát triển, Hồ Quý Ly đã mạnh mẽ thay đổi và cải cách. Tuy vậy, việc chiếm ngôi nhà Trần khiến ông không được lòng dân ủng hộ. Từ đây, đâu chỉ dân tộc đứng trước họa xâm lăng mà còn đó cả mối hận trong lòng kẻ sĩ. Dẫu vậy, Thành Nhà Hồ còn đó, một công trình đá kì vĩ tồn tại hơn 6 thế kỷ là mình chứng cho những khát vọng nỗ lực và thành tựu của người xưa. Lịch sử vốn công bằng, bởi vậy công - tội của đấng quân vương cũng cần được nhìn nhận sòng phẳng.

Sau 10 năm nếm mật nằm gai, khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo đã đi đến thắng lợi cuối cùng, quét sạch giặc Minh xâm lược ra khỏi cương thổ nước Việt, lập ra vương triều Hậu Lê kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà. Để đến hôm nay, còn đó ở núi rừng Lam Sơn một kinh đô tâm linh Lam Kinh nguy nga bề thế. Nơi tìm về của hậu thế, với tất cả sự ngưỡng vọng và biết ơn.

Người ta tự hỏi, nếu vương triều Hậu Lê không có những biến động thì liệu, có thể xuất hiện một nhà Nguyễn gắn với công cuộc mở rộng lãnh thổ đất nước xuống phía Nam sau này. Nhưng có một điều chắc chắn, đất quý hương Gia Miêu chính là gốc tổ quê hương của các đời Chúa và vua nhà Nguyễn. Để rồi sau này, ngay khi lên ngôi (năm 1802) lập ra vương triều Nguyễn định đô ở kinh thành Huế thì vua Gia Long vẫn không quên dành những “tính toán” cho vùng đất cố hương xứ Thanh. Một Hạc Thành với sự phát triển vững bền đến ngày hôm nay có lẽ cũng đủ để hậu thế tỏ lòng biết ơn đến tiền nhân.

Lam Kinh được xem là kinh đô thờ tự của nhà Hậu Lê.

Và cuộc kháng chiến vệ quốc...

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, bắt đầu tham vọng xâm lược của người phương Tây với đất nước mang hình chữ S. Để chống lại cuộc xâm lăng của người Pháp, đầu thế kỷ XX phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã diễn ra trên nhiều mặt trận. Và sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam là mốc son đánh dấu phong trào đấu tranh quy mô, có tổ chức. Trong suốt những năm tiền khởi nghĩa và về sau là cuộc kháng chiến vệ quốc đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mảnh đất xứ Thanh luôn đồng điệu một tinh thần vất vả, đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của cả dân tộc.

Để đến hôm nay, sau 80 năm đấu tranh cởi bỏ ách cai trị của thực dân Pháp và 30 năm chiến tranh vệ quốc, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 135 di tích lịch sử cách mạng. Trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng. Đó là di tích Hàm Hạ; Rừng Thông (Đông Sơn); nhà thờ họ Vương; khu di tích Yên Trường; di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân; chiến khu Ngọc Trạo... mỗi di tích đều mang trong mình những sự kiện, câu chuyện mà ở đó là máu xương, nước mắt và hi sinh. Cây cầu Hàm Rồng oằn mình dưới bom đạn kẻ thù giờ đây đã là một chứng tích của lịch sử. Hay tượng đài Lão quân Hoằng Trường đang âm thầm hát bài ca những cụ già bắn rơi máy bay...

Vẫn biết, lịch sử dù hào hùng hay đau thương cũng vốn dĩ là chuyện của ngày hôm qua. Khép lại lịch sử, hướng đến tương lai vẫn là cách mà mỗi dân tộc tiến bộ trên thế giới lựa chọn. Tuy vậy, khép lại lịch sử không bao giờ đồng nghĩa với việc chúng ta được phép quên đi lịch sử. Là một phần của lịch sử - di sản xuất hiện và tồn tại như một “người kể chuyện” thầm lặng. Có di sản trăm năm, ngàn năm... tất cả đều là tài sản vô giá, cần được giữ gìn, trân trọng và giáo dục tiếp nối đến mỗi thế hệ.

Theo doithoaiphattrien.vn