Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Đăng lúc: 2019-05-23 22:51:47 | Bởi: admin | Lượt xem: 1 | Chuyên mục: Tinh hoa nghề Việt

TTPT.VN - Hà Nam là một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Nơi đây nằm trong nôi văn hóa của người Việt cổ; chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị.

 Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội. Theo Luật Di sản văn hóa: Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; là sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm: di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền bằng trí nhớ, chữ viết, truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm 7 loại hình là: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian; Nghề thủ công truyền thống.

          Hà Nam là một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Nơi đây nằm trong nôi văn hóa của người Việt cổ; chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị.

          1. Công tác Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể:

          Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh: Hà Nam là một tỉnh nhỏ, tuy nhiên mật độ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố dày đặc ở các xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có 1.784 di tích (trong đó có 551 ngôi đình, 490 ngôi chùa, 306 ngôi đền, số còn lại là miếu, phủ, văn chỉ, từ đường...). Trong số các di tích trên, có nhiều di tích có kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu như: chùa Long Đọi Sơn có niên đại thời Lý, đền Trần Thương - dấu tích kho lương thời Trần, đình Chảy (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm), đền Trúc - Ngũ Động Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng), từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Đồng Du Trung, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi, đình An Hòa, chùa Quế Lâm, chùa Bà Đanh... Tính đến thời điểm (tháng 12/2016) toàn tỉnh có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 82 di tích quốc gia và 101 di tích cấp tỉnh.

           Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh được lưu giữ tồn tại ở các dạng: thuộc về di tích, dưới mặt đất, mặt nước thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân. Số lượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bao gồm nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, đồng, đá, vải, giấy... Nhiều di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị niên đại sớm, như các bia, khánh đá, bát hương, ngai, khám thờ, chuông, kiệu, hương án... Các hiện vật có giá trị vài trăm năm đến hàng nghìn năm. Đặc biệt là các cổ vật như: Bia Sùng Thiện Diên Linh (có niên đại đầu thời Lý) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật Quốc gia”; Tượng Kinari mang phong cách Chăm Pa ở chùa Đọi, cuốn sách bằng đồng có tên "Khâm ban đồng bài” hay còn gọi là “Cầu không từ kí” (ở Văn An, Bắc Lý, Lý Nhân) là cuốn sách đồng cổ nhất Việt Nam.

 Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm. Năm 2003, ngành văn hóa đã tiến hành tổng kiểm kê toàn bộ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh; công tác xếp hạng di tích lịch sử văn hóa được triển khai theo kế hoạch hàng năm, mỗi năm làm hồ sơ khoa học xếp hạng từ 3 - 4 di tích cấp quốc gia, 6 - 7 di tích cấp tỉnh. Công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích được quan tâm thường xuyên, ngoài Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo tồn di tích, hàng năm tỉnh đã huy động từ 20 - 30 tỷ đồng do nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp để tu bổ, tôn tạo di tích. Nhờ vậy, đã có gần 80 di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa ở Hà Nam được tu bổ, tôn tạo; trong đó có 11 di tích được đầu tư tu bổ lớn, gồm: chùa Long Đọi Sơn, từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Đồng Du Trung, đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi, đình An Hòa, chùa Quế Lâm, đền Trúc, chùa Bà Đanh. Đối với các di tích cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quan tâm phê duyệt Đề án bảo tồn các di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mỗi năm tu bổ 10 di tích, mỗi di tích được đầu tư kinh phí tu bổ từ 300 - 500 triệu đồng. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích đều được dựa trên các yếu tố địa điểm, thiết kế, nghệ thuật, chất liệu, kỹ thuật và không gian gốc. Hầu hết các di tích xếp hạng khi tu sửa đều xin cấp có thẩm quyền cho phép. Các di tích chưa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đều đã được kiểm kê, địa phương trùng tu, sửa chữa đều xin phép các cấp quản lý. Đối với các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại các di tích, hoặc cá nhân hay tổ chức đều được bảo quản, lưu giữ đúng nguyên tắc, được nhà nước và nhân dân quan tâm lưu giữ, quảng bá.

Những năm qua công tác phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể được các cấp và nhân dân quan tâm, nhằm đáp ứng các nhu cầu tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là khách tham quan. Các di tích xếp hạng đều đã thành lập được Ban quản lý di tích tại cơ sở, có quy chế hoạt động cụ thể, công tác bảo vệ, trông coi tại di tích được quan tâm, nhiều di tích đã có các bảng giới thiệu khái quát, biên soạn tờ gấp giới thiệu di tích, tổ chức các lớp ngoại khóa cho học sinh tham quan, tìm hiểu. Một số sách quảng bá di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được biên soạn, xuất bản.  Việc đưa các di tích trọng điểm vào các điểm, tua, tuyến du lịch của tỉnh đã được thực hiện;  thu hút một lượng lớn khách đến tham quan và học tập.

          Song song với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa quý báu mà các vị tiền nhân để lại, tỉnh Hà Nam đã từng bước xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều thiết chế văn hóa mới từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó phải kể đến Bảo tàng tỉnh Hà Nam hiện đang lưu giữ trên 4.000 hiện vật, tài liệu gốc, trong đó lưu giữ, bảo quản nhiều di vật, cổ vật có giá lớn, quý hiếm đã và đang từng bước đưa vào trưng bày phục vụ khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập và nghiên cứu.

          2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể:

          Hà Nam là một tỉnh lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa địa phương. Tỉnh đã đề ra hướng nghiên cứu, sưu tầm một cách có hệ thống và lâu dài các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Tiêu biểu là các di sản văn hóa phi vật thể như: Múa hát Dậm Quyển Sơn, múa hát Lải Lèn, hội vật võ Liễu Đôi, làng trống Đọi Tam, dệt lụa Nha Xá, sừng mỹ nghệ Đô Hai, hát Trống quân, nghề Đan Cót, vật cầu An Mông, nghề gốm Quyết Thành... Nhiều trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca đặc trưng, các làn điệu truyền thống đã được khôi phục như: hát Chèo (thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm), hát múa Lải Lèn làng Nội Chuối (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân), chiếu chèo làng Ngò (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân), múa rối nước của thôn Nội Rối, múa rối cạn của thôn Chương Lương (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân)… Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nam, còn có các loại hình như: phong tục, tập quán, tri thức dân gian, trò chơi dân gian, tài liệu Hán Nôm, truyền tích, ca dao, tục ngữ, truyện kể…vô cùng phong phú.

          Các di sản văn hóa của quê hương đã được Nhà nước và nhân dân bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa. Nhân dân lưu giữ bảo tồn qua các hình thức truyền dạy, nhà nước quan tâm thống kê, phân loại, làm hồ sơ đưa các di sản tiêu biểu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhiều công trình văn hóa đã được xuất bản thành sách như: “Địa chí Hà Nam”, “Thi tuyển danh sĩ Hà Nam”, “Hát Dậm Quyển Sơn”, “Nhân vật lịch sử Hà Nam”, “Tuyển Thơ Hà Nam”, “Tuyển Văn xuôi Hà Nam”, “Văn hóa dân gian Hà Nam”…

          Trong số các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nam, đã có 5 di sản tiêu biểu của tỉnh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Nghi lễ Chầu Văn của Người Việt ở Hà Nam; Lễ Phát lương (đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân); Lễ Tịch Điền (chùa Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên); Lễ hội vật võ Liễu Đôi (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm); Lễ hội đền Lảnh Giang (đền Lảnh, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên). Các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên đã được tỉnh và ngành văn hóa quan tâm bảo tồn và phát huy tốt các giá trị. Đối với Nghi lễ Chầu Văn tỉnh đã thành lập Câu lạc Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chầu văn, hoạt động định kỳ hàng tháng, tham gia nhiều kỳ liên hoan đạt giải cao, ngoài ra còn truyền dạy đào tạo nhiều thanh đồng, cung văn trẻ.  Nhân dịp Ngày Di sản Việt Nam năm 2017, Bảo tàng tỉnh Hà Nam trưng bày chuyên đề "Nghi lễ Chầu văn ở Hà Nam" nhằm tôn vinh, quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đối với 4 lễ hội lớn (Lễ Phát lương đền Trần Thương, Lễ hội Tịch điền, Lễ hội đề Lảnh Giang và Lễ hội vật võ Liễu Đôi) được tỉnh và nhân dân quan tâm tổ chức quy mô định kỳ hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; các hoạt động nghi lễ và trò chơi diễn ra tại lễ hội mang tầm quy mô không chỉ ở tỉnh mà còn trong khu vực và toàn quốc.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn luôn là hai mặt gắn bó mật thiết, là tiền đề của nhau. Mục đích cuối cùng là đảm bảo cho di sản được lưu truyền và không ngừng tái tạo, phát huy tác dụng lâu dài. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ về giá trị của kho tàng di sản văn hóa truyền thống ông cha để lại, góp phần xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống quê hương văn hiến.
 

Theo doithoaiphattrien.vn