Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số
TTPT.VN - Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 52% dân số. Vì vậy, việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào các DTTS.
Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình năm 2017. Ảnh: Thế Sơn |
Văn hóa truyền thống các DTTS là những giá trị vật chất, tinh thần được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển. Tỉnh ta có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; sinh hoạt văn hóa tâm linh được quan tâm.
Tỉnh hiện có 8 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Lồng tông, nghi lễ Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan; lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (TP Tuyên Quang).
Tỉnh ta phối hợp với các tỉnh đất Then tiến hành các bước lập hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái” đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu bảo tồn văn hóa các dân tộc, tiêu biểu là các đề tài: Nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn; nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then; nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu.
Nhiều cuốn sách về văn hóa dân tộc được xuất bản như: Dân ca các dân tộc Tày, Sán Dìu, Cao Lan, Nghi lễ của dân tộc Dao Quần chẹt, Văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội ở Tuyên Quang; các ấn phẩm văn hóa dân tộc thiểu số đã được phát hành như: Đĩa VCD Tiếng tơ lòng của dân tộc Cao Lan, Soọng cô khúc hát dao duyên của dân tộc Sán Dìu...
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Soọng cô, thôn Hội Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương). |
Để bảo tồn giá trị văn hóa các DTTS, việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ DTTS từ tỉnh đến cơ sở được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 73 CLB hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày; 6 CLB hát Páo dung của dân tộc Dao; 1 CLB hát dân ca của dân tộc Mông; 13 CLB hát Sình ca của dân tộc Cao Lan; 5 CLB hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu.
Ông Nguyễn Văn Hòe, Chủ nhiệm CLB hát Then, xã Nhân Mục (Hàm Yên) cho biết, vào các buổi tối hoặc những lúc nông nhàn, các thành viên của CLB lại cùng nhau học hát những làn điệu Then của dân tộc. Không chỉ người lớn mà nhiều buổi sinh hoạt còn có thanh niên, trẻ nhỏ tham gia. Qua đó, nâng cao hơn nữa ý thức gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Việc tôn vinh “chủ thể văn hóa” là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản… có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy, sáng tạo những giá trị văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 7 nghệ nhân ưu tú được công nhận. Họ là những người nắm giữ vốn tri thức dân gian, có khả năng sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy các làn điệu cho thế hệ trẻ; có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết, phong tục truyền thống của dân tộc.
Có thể kể đến là nghệ nhân Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) đã sưu tầm, lưu giữ được 200 đầu sách cổ, 8 tập sách hát Sình ca; lưu giữ và sử dụng thành thạo các nhạc cụ như trống sành, pí lè, chũm chọe, sóc nhạc... của dân tộc Cao Lan. Ông đã dàn dựng và truyền dạy các tiết mục múa truyền thống của dân tộc Cao Lan như: Múa cờ, múa khai đèn, khai lộ... cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao, thôn Nà Cọi, xã Sơn Phú (Na Hang) đã có nhiều đóng góp trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như nghi lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ cúng tổ tiên của người Dao Đỏ. Ông là người có tâm huyết trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Đỏ...
Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, tuy đã đạt được những kết quả bước đầu song việc gìn giữ và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Ở một số nơi, văn hóa truyền thống của một số dân tộc đang bị mai một dần. Vì vậy, bên cạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm của già làng, trưởng bản, nghệ nhân và những người am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan. Qua đó, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.