Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc: Nơi lưu giữ giá trị di sản văn hóa, lịch sử
TTPT.VN - Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ là nơi sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các dân tộc của Vĩnh Phúc nói riêng, cả nước nói chung.
Trưng bày hiện vật về thời kỳ tiền sử tại Vĩnh Phúc
Một Vĩnh Phúc thu nhỏ
Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng. Do đó, Bảo tàng Vĩnh Phúc chính là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, dân tộc. Trong không gian kiến trúc của thành phố Vĩnh Yên, Bảo tàng tỉnh tọa lạc ở số 12, đường Lý Bôn, phường Ngô Quyền tại một ví trí khá đẹp với địa thế cao, xung quanh cây xanh. Trải qua gần 20 năm hoạt động, bảo tàng đang lưu giữ hơn 16.000 hiện vật, tài liệu khoa học tái hiện quá trình hình thành, phát triển lịch sử và văn hóa của vùng đất Vĩnh Phúc, trong đó có 1 bảo vật quốc gia là Tháp gốm men chùa Trò. Với diện tích tổng thể hơn 12.000 m2 phân chia thành các khu chức năng: Khu sân vườn, khu trưng bày ngoài trời, khu trưng bày nội thất, kho hiện vật; khu nhà điều hành. Nhà trưng bày: 2 tầng, diện tích mặt sàn 2500 m2 khang trang diện đại. Kho hiện vật bảo đảm điều kiện sử dụng bảo quản và lưu giữ hiện vật.
Hiện với 2 giai đoạn trưng bày: Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến năm 1930 và lịch sử Vĩnh Phúc từ năm 1930 đến nay.
Trưng bày đồ dùng sinh hoạt các dân tộc tại Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc giai đoạn từ thời kỳ tiền sơ sử đến năm 1930 giới thiệu về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và các di vật lịch sử tiêu biểu minh chứng cho vùng đất có cảnh quan kỳ vĩ, địa hình đa dạng, đặc biệt là sự có mặt của người Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc. Trưng bày về đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc thông qua các sưu tập y phục, trang sức, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đồ dùng sinh hoạt, đời sống canh tác của 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi và 1 số lễ hội tiêu biểu mang đậm sắc thái địa phương như: lễ hội chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô); Lễ hội cướp Phết ( xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch), lễ hội Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo)… Ngoài ra Bảo tàng còn giới thiệu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc từ đầu công nguyên đến năm 1930.
Vĩnh Phúc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1955 - 1975)
Với giai đoạn từ 1930 đến nay, nội dung trưng bày gồm 4 chủ đề chính: Phong trào cách mạng của nhân dân Vĩnh Yên - Phúc Yên (1930 - 1945); Vĩnh Phúc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954); Vĩnh Phúc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1955 - 1975); Vĩnh Phúc trong thời kỳ thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ 1976 đến nay).
Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, cùng với tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, trong những năm qua, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Bảo tàng không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt là thái độ và cung cách phục vụ khách đến tham quan, học tập tại Bảo tàng.
Với nội dung phong phú, hấp dẫn được trình bày lô gích, khoa học, dễ hiểu, hệ thống âm thanh, ánh sáng hợp lý, các trang thiêt bị và hệ thống nghe nhìn tương đối hiện đại, Bảo tàng Vĩnh Phúc đã tạo được không gian khá ấn tượng và sức hấp dẫn đối với khách đến tham quan. Bên cạnh đó, các sưu tập hiện vật thường xuyên được thay đổi, bổ sung để luôn tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn tránh sự đơn điệu, nhàm chán đối với khách đặc biệt là những khách đến với Bảo tàng nhiều lần…
Phòng trưng bày Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc
Ngoài việc phục vụ du khách, từ lâu Bảo tàng Vĩnh Phúc đã trở thành một địa điểm tham quan học tập lý tưởng của học sinh sinh viên, là nơi các em học sinh tham gia tìm hiểu các giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương, qua đó nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc đối với các em. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Bảo tàng đã đón và phục vụ 16.000 lượt khách tham quan hệ thống trưng bày thường trực và trưng bày triển lãm trong đó có các đoàn: Đoàn nghiên cứu khảo cổ học Trung Quốc, Trung tâm ngoại ngữ Green School, trung tâm Trí Đức, các trường Mầm non: Hồng Hà, Hoa Hồng, Tam Dương, Sao Mai, Happy House…
Ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Mục tiêu của Bảo tàng không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút khách tham quan đến bảo tàng. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng thường xuyên được thay đổi, chỉnh lý, bổ sung để luôn tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn tránh sự đơn điệu, nhàm chán đối với khách. Ngoài ra, để đa dạng hóa hoạt động, hằng năm, Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức triển lãm, giới thiệu các đề tài chuyên sâu, hấp dẫn nhằm thu hút người xem như trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa thời Lý - Trần trên đất Vĩnh Phúc”; chuyên đề “Học sinh Miền Nam - Vĩnh Phú, 50 năm ký ức và nghĩa tình”; Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc;… thu hút đông đảo khách tham quan.
“Hiện tại, Bảo tàng Vĩnh Phúc vẫn mở cửa phục vụ du khách miễn phí nên sẽ tính thêm nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh quảng bá. Ngoài ra, do vẫn còn hạn chế trong việc thu hút khách du lịch, bảo tàng sẽ phối hợp với ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành để trao đổi, mạnh dạn kết nối các bảo tàng trong và ngoài tỉnh; đưa tham quan bảo tàng thành một điểm đến vào các tour, tạo ra lợi ích cho các phía”, ông Trung cho biết thêm.