TỪ DẠY NGHỀ ĐẾN XÂY DỰNG VĂN HÓA NGHỀ

Đăng lúc: 2025-02-22 13:00:00 | Bởi: admin | Lượt xem: 265 | Chuyên mục: Tinh hoa nghề Việt

Văn hoá nghề có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội hiện nay. Những kết quả nghiên cứu về quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nhiều nước khác nhau đã khẳng định tính thống nhất giữa hai mặt lao động, nghề nghiệp trong sản xuất và phát triển văn hoá, xã hội. Không có lao động chuyên nghiệp thì không thể có cơ sở cho sự phát triển văn hoá và ngược lại không nâng cao nhận thức, hành vi văn hoá thì cũng không thể tạo ra giá trị lao động chuyên nghiệp và sáng tạo.

Nhiều năm nay một vấn đề quan trọng trong thực tiễn lao động, nghề nghiệp nảy sinh mà các nhà xã hội học gọi là văn hoá nghề. Tức là làm ngành nghề nào trong xã hội, cũng phải có hành vi ứng xử có văn hoá đối với ngành nghề đó. Văn hoá nghề nghiệp là cơ sở cho tính sáng tạo và chủ động của người lao động, tạo ra các giá trị kinh tế - xã hội và đồng thời chính nó cũng là cơ sở cho sự sáng tạo ra các giá trị văn hoá mới.
 
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, ngay từ khi biết lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất để phục vụ cho đời sống của mình, con người đã biết cách ứng xử với hành vi lao động của mình một cách có văn hoá. Việc tôn trọng và tuân thủ các giá trị của lao động nghề nghiệp bao giờ cũng được nhắc nhở đối với các thế hệ người lao động. Bởi vậy mỗi nghề đều gắn với những chuẩn mực và mục tiêu cao quý mang tính xã hội mà nó phục vụ.
 
Trong xã hội Hy Lạp cổ đại, những người thợ thủ công, làm nghề rèn, nghề mộc, đúc đồng, đúc sắt trước khi được truyền nghề đều bắt buộc phải làm lễ tuyên thệ sẽ tuân thủ những nguyên tắc của nghề nghiệp. Theo quan niệm cuả người Hy lạp cổ đại, những người có nghề chuyên môn, cũng giống như những người khác, đều phải kiếm sống, nhưng giá trị công việc của họ, không chỉ được đo bằng số tiền mà họ thu nhập mà bằng hệ quả tự nhiên của việc thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn. Bởi vậy trong thời kỳ này, các bác sĩ thầy thuốc, thầy giáo khi làm việc thường không tính thù lao.
 
Nho giáo Trung quốc cổ xưa đòi hỏi con người phải học tập rất nhiều về đạo lý làm người, tức là học những quy chuẩn văn hoá để sống trong đời. Khổng tử nói rằng ngay từ khi 15 tuổi ông đã dồn hết tâm chí cho việc học (ngô thập hựu ngũ nhi chí ư học) và đã học thông thạo “lục nghệ” (6 nghề cơ bản để bước vào đời ).
 
Thời Xuân Thu, nhất là vào giai đoạn từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ V trước công nguyên, người ta coi lục nghệ bao gồm : lễ (biết được các nghi thức lễ giáo) , nhạc (các quy tắc âm luật để điều hoà các mối quan hệ xã hội), xạ (bắn tên, một nghề biểu hiện sức mạnh của nguời chiến binh), ngự (đánh xe), thư (biết chữ, đọc, viết và cao hơn thì làm thơ, viết văn ,viết nghị luận), số (tính toán), là sự tổng hợp những tri thức cần thiết cho một người quân tử. Khổng tử cho rằng, biết lục nghệ và tinh thông lục nghệ là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là hãy làm người quân tử khi có được lục nghệ đó. Khái niệm “lục nghệ” cũng là cơ sở để hình thành một khái niệm ví von khi người xưa dùng để nói về một người tài năng đó là “bách nghệ” (người biết trăm nghề).
 
Cũng theo học thuyết của Khổng Tử, điều quan trọng nhất của người quân tử là biết làm đúng phận sự của mình trong cõi đời, tức là vị trí xã hội ở đâu thì làm đến đó. Khi vua Cảnh Công nước Tề hỏi Khổng Tử về chính sự. Khổng tử thưa rằng: “Vua phải làm trọn đạo vua, tôi làm trọn đạo tôi, cha làm trọn đạo cha, con làm trọn đạo con”, tức là nguời nào cũng làm trọn công việc của mình thì xã tắc yên ổn, đất nước thái bình. Chính với quan niệm như vậy mà trong xã hội Trung Hoa truyền thống, văn hoá nghề, những nguyên tắc nghề nghiệp được tôn trọng đặc biệt. Câu nói“Sinh nghề tử nghiệp” khẳng định việc chấp hành nguyên tắc nghề nghiệp bất di bất dịch của người xưa là mỗi người đều phải sống chết với nghề của mình. Người viết sử có thể bị chặt đầu nhưng những sự kiện lịch sử vẫn không được chép sai .
 
Trong những quan điểm về quản lý xã hội của mình, Khổng Tử đề cao thuyết “chính danh”, trong đó nhấn mạnh tới việc làm phải đi đôi với cương vị và vai trò xã hội của việc làm đó. Khi Tử Lộ hỏi Khổng tử rằng: “Nếu vua Vệ dùng thày để điều hành chính sự thì thầy sẽ làm gì ?”. Khổng Tử trả lời: “nhất định phải chính danh”. Chính danh ở đây có thể được hiểu là làm bất cứ việc gì, nghề gì cũng phải tuân thủ danh chính của nghề đó, “danh không chính thì ngôn không thuận, ngôn không thuận  thì làm việc gì hỏng việc đó”. Có thể nói thuyết “chính danh” của Khổng tử chính là những kiến thức đầu tiên nói về quan điểm nghề nghiệp. Về phương diện này có thể coi Khổng Tử như là những người đầu tiên đặt vấn đề nghề nghiệp và văn hoá nghề nghiệp một cách cơ bản nhất.
 
Anh1
Nguồn ảnh: Internet

Vấn đề văn hoá nghề đã được đặt ra một cách sâu sắc trong những điều kiện phát triển của một xã hội công nghiệp, đặc biệt là ở phương Tây, trong đó những nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá ngày càng lớn.
 
Cơ sở thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá không đơn thuần chỉ dựa trên các yếu tố đầu vào như nguồn vốn, cơ sở kỹ thuật, hạ tầng mà hơn thế, còn cả khả năng tiếp cận và khai thác một cách sáng tạo và hiệu quả các nguồn lực cơ bản của người lao động trong đó có những vấn đề về chuẩn mực, định hướng giá trị và hành vi nghề nghiệp, tức là những vấn đề về văn hoá nghề của người lao động.  Bởi vậy, một người lao động không thể làm tốt công việc của mình nếu anh ta không là một người có văn hoá nghề.
 
Trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm nay Đảng và Nhà nước ta đã nhấn mạnh, để phát triển bền vững, để tăng trưởng kinh tế phải lấy yếu tố con người làm trung tâm. lấy mục tiêu vì con người, phát triển con người và giải phóng con người làm mục tiêu.
 
Để thực hiện được ba vấn đề trên một cách toàn diện và có hiệu quả cao, Nhà nước cần phải chú trọng phát triển chất lượng nguồn nhân lực bởi con người chính là lực lượng sản xuất, là đội ngũ lao động tiếp cận với khoa học và công nghệ; Con người chính là tác nhân trực tiếp tham gia vào quá trình lao động sản xuất.
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, là một trong những yếu tố quyết định bảo đảm kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Bởi vậy, cần phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong đó chú trọng phát triển đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng với đũi hỏi đa dạng, đa tầng của công nghệ và trỡnh độ phát triển của các vùng, miền, lĩnh vực, ngành nghề; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn.
 
Để phát triển và nâng cao chất lượng lực lượng lao động, chúng ta cần tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ về giáo dục và dạy nghề theo hướng "chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá", ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện "dạy chữ, dạy nghề, dạy người", đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng thực hành, năng lực sáng tạo, tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, đào tạo các kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, hình thành tư duy, tích lũy vốn sống xã hội tích cựcBên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách và giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề và dạy văn hoá nghề; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; triển khai hệ thống quản lý và kiểm định chất lượng dạy nghề… Xây dựng một số trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và một số chuyên ngành hiện đại, có chất lượng cao. Trước hàng loạt yêu cầu phát triển nghề nghiệp trong thời đại  cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đòi hỏi phải nâng cao văn hoá nghề từ hai phương diện dạy nghề và học nghề.
 
Hiện nay, trên thế giới, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nói chung và lĩnh vực dạy nghề nói riêng người ta nói đến thuật  ngữ “văn hoá nghề” và coi đó là một trong những yếu tố không thể thiếu, để tạo nên chất lượng nguồn lao động. Vậy Làm thế nào để  hình thành văn hoá nghề và nâng cao nhận thức về văn hoá nghề đối với người lao động?
 
Nói đến văn hoá nghề ngày nay, chúng ta cần đề cập 3 vấn đề lớn sau:
 
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về văn hoá nghề là nâng cao nhận thức về sự hiểu được giá trị đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, tự hào nghề nghiệp, kỹ năng làm việc. Điều này thể hiện trước tiên ở lương tâm, trách nhiệm của người lao động đối với nghề nghiệp, ở tính trung thực, ở tình yêu nghề, tôn trọng thầy dạy và đồng nghiệp, có thái độ tôn vinh nghề, biết quý trọng tư liệu lao động và trân trọng sản phẩm do nghề tạo ra. Cũng có thể nói là vấn đề quan trọng số một xuyên suốt trong quá trình đào tạo và làm việc.
 
Thứ hai, nâng cao văn hoá nghề là nâng cao kiến thức nghề nghiệp. Kiến thức nghề được hiểu ở đây là sự thể hiện trỡnh độ nhận thức và tiếp thu những kiến thức cơ bản cũng như trình độ công nghệ, cải tiến kỹ thuật nhằm tạo năng suất lao động cao hơn, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao hơn.
 
Thứ ba, nâng cao kỹ năng nghề. Kỹ năng nghề và năng lực nghề nghiệp thể hiện sự tinh thông nghề nghiệp, tác phong nghề nghiệp và sáng tạo nghề nghiệp. Nú cũn thể hiện ở khả năng phát triển nghề. Năng lực nghề nghiệp còn thể hiện ở trình độ tiếp thu công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật nhằm tạo năng suất lao động cao hơn, tạo ra sản phẩm có chất lượng hơn.
 
Từ nhiều năm nay, tổ chức văn hoá, khoa học, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) bàn về “Chính sách văn hoá vì sự phát triển” khuyến cáo các quốc gia cần xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hoá của Chính phủ, các tổ chức xã hội, các ngành nghề, các cơ quan, doanh nghiệp và từng cá nhân. Khuyến cáo của UNESCO đó nhấn mạnh vai trò, tác động và trách nhiệm của văn hoá đối với phát triển kinh tế - xã hội, mỗi cộng đồng, mỗi tổ chức và mỗi cá nhân.
 
Anh2
Nguồn ảnh: Internet

Văn hoá nghề nằm trong khái niệm và phạm trù Văn hoá nói chung. Văn hoá nghề có những thuộc tính của Văn hoá chung nhưng cũng có những đặc điểm riêng. Văn hoá nghề được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường tác động đa chiều và đa dạng gồm:
 
Môi trường học tập: từ các trường mẫu giáo đến trường phổ thông và đến các cơ sở đào tạo);

Môi trường lao động: hoạt động trong các lĩnh vực hành chính, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

Môi trường sống với cộng đồng: hoạt động của gia đình, các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư...
 
Văn hoá nghề có mối liên hệ mật thiết với các khái niệm văn hoá khác như văn hoá trường học, văn hoá doanh nghiệp, văn hoá làng nghề, văn hoá công sở, văn hoá giao tiếp ...
 
Ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, trong báo cáo “Học tập một kho báu tiềm ẩn” Hội đồng giáo dục quốc tế (của UNESCO) đó đưa ra khuyến nghị: Bước vào thế kỷ XXI mục tiêu đào tạo trong nhà trường hướng tới  4 trụ cột:
 
Học để biết: Người học phải được trang bị và biết kết hợp cơ sở văn hoá chung đủ rộng để hướng tới năng lực làm việc sâu trong một lĩnh vực; do đó phải học cách học là chính nhằm tận dụng mọi cơ hội để học tập suốt đời.
 
Học để làm: Không chỉ nắm một kỹ năng nghề mà rộng hơn là  khả năng thích ứng, đối mặt với những tình huống và mọi biến động. Danh nhân văn hoá thế giới, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Phải hiểu rằng: Học cốt để mà  làm. Học mà không làm được thì học mấy cũng vô ích”.
 
Học để làm người: Nhằm phát huy tốt hơn nhân cách và trách nhiệm cá nhân. Người học phải rèn luyện toàn diện và không coi nhẹ bất cứ một tiềm tăng nào để phát triển của mỗi cá nhân.  
 
Học để cùng sống với nhau: Phát triển sự hiểu biết người khác, môi trường thiên nhiên và cảm nhận được sự phụ thuộc lẫn nhau, hợp tác với nhau làm việc theo tổ và nhóm trong việc giải quyết nhiệm vụ chung, giải quyết những mâu thuẫn, xung đột với tinh thần hiểu biết, tôn trọng những giá trị đa phương.  
 
Tích hợp bốn trụ cột trên được thực hiện trong chương trình đào tạo, trong mọi hoạt động của nhà trường đó hàm chứa những nội dung rất cơ bản để hình thành Văn hoá nghề cho người lao động khi bước vào thị trường lao động trong tương lai.
    
Trong việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nghề nói riêng, các chính sách thường hướng tới 3 mục tiêu chủ yếu  là: Kiến thức- Kỹ năng- Thái độ. Ba mục tiêu trên định hướng và quy định nội dung chương trình đào tạo cụ thể của mỗi nghề đồng thời trang bị cho người học những yếu tố và hành trang tạo nên văn hoá nghề để có thể hành nghề sau khi tốt nghiệp.
 
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu sắc, chúng ta không thể đứng riêng một mình, đi riêng một con đường mà phải hoà chung vào cuộc sống và nhịp đập toàn cầu hoá. Vì vậy  bên cạnh việc phát huy tinh hoa văn hoá nghề của cha, ông; chúng ta cần tiếp thu học hỏi những nét đẹp trong truyền thống văn hoá, trong  giáo dục nghề nghiệp, kỷ luật, năng xuất và  hiệu quả trong lao động... của các nước khác trong khu vực và thế giới để phát triển. 
 
Ngày nay người ta nói tới một số  phẩm chất để công dân Việt Nam có thể vượt khỏi “Luỹ tre làng” trở thành “Công dân toàn cầu”. Đồng thời nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cũng đó đề cập đến 8 yếu tố ảnh hưởng đến  sức cạnh tranh trong nghề nghiệp, đó là:
 
1. Tính chuyên nghiệp;

2. Yêu nghề;

3.  Sáng tạo;

4. Cùng hiệp sức để hoàn thành công việc;

5. Cạnh tranh;

6. Quên mình, làm việc một cách nghiêm túc;

7. Giúp người lợi cho ta, tức là giúp đỡ người khác, bản thân mình cũng thành công;

8. Làm triệt để từ đầu đến cuối - làm cho đến cùng.
 
Những nét đẹp trong những phẩm chất và yếu tố trên chính là những biểu hiện cụ thể của văn hoá nghề. Nó cần phải được tiếp thu có chọn lọc và phù hợp để đưa vào chương trình đào tạo và được rèn luyện trong mọi hoạt động ngay từ khi những công dân tương lai cũn ngồi trên ghế nhà trường.

Văn hoá nghề trong nhà trường được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố và rất đa dạng, tuy nhiên có thể tham vấn cấu khúc khung theo nhóm các yếu tố sau đây:
 
Nhóm yếu tố giá trị: Các yếu tố giá trị là cơ bản nhất trong cấu trúc Khung Văn hoá nghề và bao gồm : Giá trị truyền thống, giá trị hiện tại và giá trị tương lai. Các yếu tố giá trị trong nhà trường phải dày công chung sức xây dựng, nhưng cũng không dễ dàng thay đổi trong một sớm  một chiều; giá trị cũng có thể  thay đổi trong điều kiện nào đó.  
 
Nhóm yếu tố chuẩn mực: Đó là các quy định được mọi người tự giác thừa nhận và cùng cam kết tuân thủ nghiêm túc;
 
Nhóm yếu tố môi trường: Phản ảnh mối quan hệ giữa các thành viên, khụng khớ làm việc và phong cách quản lý Nhà trường, Doanh nghiệp.
 
Nhóm yếu tố hữu hình: Đó là các yếu tố dễ nhận biết như kiến trúc, tổ chức không gian làm việc, môi trường sư phạm, các phương tiện làm việc, trang phục của công nhân viên, giáo viên và học sinh-sinh viên; dòng lưu chuyển thông tin, ngôn ngữ sử dụng...
 
Anh3
Nguồn ảnh: Internet

Xây dựng Văn hoá nghề vừa là mục tiêu vừa là thách thức với các cơ sở dạy nghề. Văn hoá nghề được tạo dựng sẽ giúp cho chương trình đào tạo phong phú, tạo nên diện mạo,  hình ảnh, thương hiệu cho nhà trường và điều chủ yếu là nhằm giữ gìn, tôn vinh những giá trị truyền thống của người lao động Việt Nam, nâng cao hiệu quả và khả năng thích ứng của nhà trường trước các biến động của môi trường bên ngoài;  nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hoá.

Trong xã hội hiện đại, chúng ta không lao động nghề nghiệp một mình như chàng Robinson lạc ngoài hoang đảo mà bên cạnh những người khác, trong một thiết chế lao động phức tạp. Người lao động cần phải thực thi nghề nghiệp trong một môi truờng nghề nghiệp rộng lớn. Do vậy, mỗi người lao động sẽ khó có được nhận thức và hành vi nghề nghiệp có văn hoá nếu bầu không khí xung quanh họ không có văn hoá. Chính vì vậy, vấn đề văn hoá nghề không phải chỉ tồn tại ở phạm vi các cá nhân riêng rẽ mà ở cả một thiết chế lao động trong mối quan hệ lao động, một phạm vi rộng lớn mà các nhà xã hội học gọi là “không gian văn hoá nghề”.
 
Như vậy, trong không gian văn hoá nghề của xã hội, không phải chỉ có những người lao động nghề nghiệp mà cả những nhà đầu tư, những nhà quản lý, những nhà giáo dục, đào tạo nghề, cũng như tất cả chúng ta đều sống trong một “không gian văn hoá nghề”, đều phải biết cư xử với nghề một cách có văn hoá. Chẳng hạn, nhà đầu tư có nhận thức về văn hoá nghề thì không thể chỉ toan tính tới lợi nhuận kinh tế mà còn phải biết đầu tư, lựa chọn những lĩnh vực đầu tư nào phát triển bền vững, không huỷ hoại môi trường, không xâm hại tới con người.
 
Người sử dụng và quản lý lao động tốt thì phải biết chăm lo tới đời sống của những người lao động, chú ý tới những mặt phúc lợi xã hội, tới những vấn đề bảo hiểm lao động, an toàn lao động..., mặc dù điều này trong nhiều trường hợp có thể làm hạn chế doanh thu của họ. Họ cũng không thể vì lợi nhuận mà sử dụng lao động trẻ em, hoặc trốn thuế... Người đào tạo nghề thì không thể chỉ dựa vào nguồn thu học phí hoặc ý muốn chủ quan mà phải căn cứ vào nhu cầu đào tạo trong thực tiễn và định hướng nghề nghiệp của người học. Như vậy xây dựng không gian văn hoá nghề tiến bộ là trách nhiệm của toàn xã hội. Rất tiếc điều này cho đến nay vẫn chưa được chúng ta chú ý đúng mức.
 
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, khi mọi điều đều có thể được đong đếm bằng tiền thì hậu quả xã hội của sự thiếu hụt về văn hoá nghề là không thể lường trước được. Nếu mỗi người lao động có ý thức về văn hóa nghề từ khi học nghề đến hành nghề, các nhà quản lý, hoạch định chính sách hướng đến xây dựng một nền văn hóa nghề ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại thì chắc chắn chúng ta sẽ không chỉ hạn chế được những rủi ro trong lao động, sản xuất mà còn không ngừng cải tiến, gia tăng giá trị, chất xám cho mỗi sản phẩm lao động, quy trình lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền sản xuất xã hội và góp phần quan trọng vào quá trình phát triển văn hóa bền vững.

Theo doithoaiphattrien.vn