TĂNG CƯỜNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ THANH NIÊN ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Đăng lúc: 2025-02-20 10:10:00 | Bởi: admin | Lượt xem: 643 | Chuyên mục: Phát triển

Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài khoa học: Xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ trẻ (ĐT.KXĐTN 24-05)  

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023, dân số thanh niên trong độ tuổi 16-30 có khoảng hơn 20,7 triệu người, chiếm 20,9% dân số cả nước. Thanh niên là lực lượng lao động lớn của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2022 cho thấy, lực lượng lao động thanh niên [1] cả nước chiếm 10,1% tổng lực lượng lao động, tương đương với hơn 5,2 triệu người. Có khoảng 4,8 triệu người có việc làm là thanh niên, chiếm 9,5% trong tổng số lao động có việc làm, đang lao động, sản xuất và cống hiến cho xã hội. Trong lao động và cuộc sống, hội nhập quốc tế ngày càng trở thành vấn đề sống còn với thanh niên, là trọng tâm của các chính sách hướng vào phát triển thanh niên. Cần tiếp tục có những giải pháp và chính sách cụ thể khuyến khích thanh niên hội nhập quốc tế trên cơ sở học hỏi, tiếp thu các giá trị tích cực của nhân loại, loại bỏ các yêu tố tiêu cực, không phù hợp, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
 
Anh1
Nguồn ảnh: Internet
 
Trong thời đại hiện nay, toàn cầu hóa và tinh thần chủ động hội nhập quốc tế đã trở thành một xu hướng phát triển mang tính chiến lược đối với sự tồn vong, phát triển bền vững của mọi quốc gia,  dân tộc. Chúng ta đều biết toàn cầu hoá đã nằm trong những khái niệm được tranh luận nhiều nhất cả về lý thuyết và thực tiễn sau những biến động chính trị, kinh tế xã hội của thế giới những năm đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là sự kết hợp của toàn cầu hóa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đi kèm với những sự giải thích khác nhau cả về ngữ nghĩa lẫn nội dung của khái niệm toàn cầu hoá là cả những cuộc đấu tranh gay gắt, thậm chí có cả biểu tình và đổ máu ở nhiều nơi trên thế giới. Trên thực tế, “toàn cầu hoá”cùng với “khu vực hoá” đã được coi là hai dạng thức của tiến trình hội nhập quốc tế của các quốc gia.        

Không còn nghi ngờ gì với sự thống nhất chung về ý tưởng hướng phát triển, về sự bảo toàn cuộc sống tương lai của nhân loại trên hành tinh xinh đẹp, nhỏ bé và dễ bị tổn thương như trái đất của chúng ta, đang đòi hỏi ngày một khẩn thiết hơn việc con người văn minh phải xích lại gần nhau. Chính vì vậy, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế không còn chỉ là một lời kêu gọi, hay một “lý thuyết suông” mà đã trở thành một nhu cầu thiết thực mang tính hàng ngày, hàng giờ của nhân loại. 

Không phải đợi đến ngày nay, con người mới thực thi quá trình toàn cầu hoá hay hội nhập quốc tế. Bản chất sự sống của con người là sự mở rộng những liên kết không ngừng giữa họ với nhau thành xã hội. Lịch sử đã chứng minh rằng các nền văn minh bao giờ cũng làm giàu cho nhau qua những quá trình vay mượn, thẩm thấu, tiếp thu, tương tác và học hỏi văn hoá. Xã hội càng văn minh thì quá trình hội nhập quốc tế càng rộng mở để phục vụ cho chính sự phát triển tiến bộ của con người. 
 
Anh2
Nguồn ảnh: Internet

Không phải ai khác mà chính Mác đã là ngưòi đầu tiên khẳng định tính khách quan của quá trình hội nhập của con người cá nhân vào một xã hội rộng lớn hơn, coi đó chính là “bản chất tự nhiên” của con người. Trong một tác phẩm được viết từ những năm còn rất trẻ, tác phẩm “Bản thảo kinh tế triết học” năm 1844 , ở phần viết về sự tha hoá của lao động, Mác đã cho rằng sự liên kết giữa con người với con người trong hoạt động lao động là bản chất khách quan của xã hội. Nó giúp cho sự tồn tại của con người với con người bên cạnh nhau không giống như sự tồn tại của các bầy đàn sinh vật. Chính sự mở rộng không ngừng các quan hệ nói trên ở phạm vi mỗi ngày một rộng lớn hơn sẽ là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Xã hội càng phát triển thì những quan hệ nói trên sẽ càng rộng mở.

Ngày nay, trong những điều kiện của xã hội hiện đại, sự mở rộng các mối quan hệ xã hội trong lao động và sinh hoạt mà Mác nói ở trên đã trở thành những quan hệ mới thật đặc biệt. Nó không còn dừng lại ở những phạm vi nhỏ hẹp của các nhóm xã hội, các dân tộc và quốc gia mà đã ở phạm vi rộng lớn nhất- phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế đã trở thành một tất yếu khách quan gắn liền với sự phát triển của các quá trình đan xen, hội nhập và tuỳ thuộc lẫn nhau trên phạm vi quốc tế. Có thể nói, chính nó đã là bằng chứng nói lên sự lớn mạnh không  ngừng của nhân loại trong quá trình tự hoàn thiện mình. 
 
Anh3
Nguồn ảnh: Internet

Tuy nhiên, dù diễn ra dưới hình thức nào, trong phạm vi và mức độ ảnh hưởng ra sao, thì về bản chất, hội nhập quốc tế bao giờ cũng là một quá trình lựa chọn các giá trị. Sự lựa chọn này diễn ra khi êm ả, khi quyết liệt, lúc âm thầm ,lúc sôi động, nhưng bao giờ đó cũng là một quá trình vừa xây dựng vừa đào thải, vừa tiếp thu vừa loại bỏ- điều mà không ít các học giả lớn trên thế giới đã không ngần ngại gọi là một "cuộc tranh đấu" vì sự tồn tại và phát triển. 

Sẽ thực sự là sai lầm nếu xem thường tính "tranh đấu" này trong sự chọn lựa các giá trị của quá trình hội nhập quốc tế. Bởi lẽ trên thực tế, quá trình hội nhập quốc tế, nếu ở lĩnh vực này có thể là sự mở rộng những giá trị tiến bộ và văn minh thì ở lĩnh vực khác lại chỉ là thoái bộ, là sự thâm nhập của những điều kỳ quái, thậm chí lạc hậu và phi nhân đạo, ở nơi này có thể thể gắn liền với sự tăng trưởng và phát triển nhưng ở nơi khác lại có thể là “thảm họa”, thậm chí “huỷ diệt”. 

Bởi vậy, hội nhập quốc tế nói theo cách diễn đạt của Mác, cũng chính là một quá trình đang bị “tha hoá”. Nó có thể là “luồng gió mát” nhưng cũng không ít trường hợp lại là “khí độc”. Trong nhiều trường hợp, toàn cầu hoá còn hoàn toàn đồng nghĩa với sự xâm lược của các giá trị này đối với các giá trị khác, sự loại bỏ, thậm chí tiêu diệt bản sắc và sự đa dạng về văn hoá. Đó cũng chính là tính hai mặt của hội nhập quốc tế nó khiến cho sự tính toán các cách thức tiến tới toàn cầu hoá luôn luôn là khác nhau đối với mọi quốc gia

Giáo sư Jean-Marie Guehenno làm việc tại viện Nghiên cứu Quốc phòng Pháp trong một bài viết nhan đề “Mỹ hoá toàn cầu hay là toàn cầu hoá nước Mỹ” đã cảnh báo rằng về thực chất, hiện nay “toàn cầu hoá đang là một quá trình Mỹ hoá toàn cầu”, là “sự mở rộng giấc mơ Mỹ ra toàn bộ hành tinh”. Ông tự đặt câu hỏi là trong cái thế giới đang bị Mỹ hoá đó, liệu chính sách đối ngoại của Mỹ rồi có phải sẽ tới lúc chỉ còn là sự mở rộng đơn giản chính sách đối nội của nước Mỹ hay không? Nếu hội nhập quốc tế về bản chất là những sự lựa chọn giá trị, thì phải  chăng trong thời đại hiện nay, đã đến lúc toàn cầu hoá chỉ còn có nghĩa là sự lựa chọn những giá trị của người Mỹ.

Nếu như vậy, đối với các dân tộc nhỏ bé nhưng có các giá trị văn hoá lâu đời và phong phú, vấn đề đặt ra là, liệu toàn cầu hoá hay hội nhập quốc tế có phải là một sự thử thách sống còn, một trở lực hay không. Hội nhập quốc tế, do vậy có cần thiết phải gắn liền với ý thức cảnh giác, sự lựa chọn minh mẫn và sáng suốt các giá trị hay không?

Có thể nói, sự lựa chọn các giá trị diễn ra trong quá trình hội nhập quốc tế đang đặt nhân loại trước những thử thách lớn trên con đường phát triển và tự hoàn thiện mình. Vấn đề là ở chỗ cần phải làm sao để hội nhập quốc tế sẽ đưa đến một kết quả tốt đẹp chứ không phải là một sự tha hoá, một sự huỷ hoại cho chính quốc gia, dân tộc. Hội nhập quốc tế để nâng nhân loại lên một tầm cao mới, đoàn kết thống nhất vì những quyền lợi chung gắn liền với những giá trị nhân đạo từ truyền thống và bản sắc của tất cả các nền văn minh. 

Ở nước ta, sau những năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam xu hướng mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế đã đem lại những thành tựu lớn lao cho công cuộc Đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân. Khái niệm “hội nhập quốc tế” được đề cập lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội VIII của Đảng (năm 1996): “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả”. Quan điểm về hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế được tiếp tục thể hiện, xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước qua các thời kỳ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2021)  xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. 

Thanh niên Việt Nam là nhóm nhân khẩu học xã hội được hình thành bởi các đặc điểm lứa tuổi trẻ trung, sung sức đại diện cho tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội có vai trò to lớn và quyết định trong các hoạt động hội nhập quốc tế. Thực tế cho thấy trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, thanh niên Việt Nam có sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động vào quá trình Hội nhập Quốc tế của đất nước trên mọi lĩnh vực công tác, hoạt động nghề nghiệp và đời sống văn hóa, giải trí, qua đó năng lực hội nhập quốc tế của thanh niên đã được nâng lên. Theo số liệu thống kê, ngày càng nhiều Thanh niên Việt Nam tham gia các chương trình học tập, trao đổi sinh viên, thực tập và làm việc tại các quốc gia trên thế giới. Số lượng sinh viên Việt Nam du học đã tăng lên mức đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các nước như Mỹ, Úc, Canada và Singapore…

Ngoài ra, Thanh niên Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế, như hội thảo, diễn đàn và các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế, tham gia các hoạt động giải trí quốc tế thông qua các nền tảng mạng xã hội, truyền thông hiện đại. Đoàn Thanh niên cũng đã thúc đẩy việc thành lập các tổ chức, câu lạc bộ, và mạng lưới giao lưu quốc tế để tạo điều kiện cho Thanh niên tham gia và gắn kết với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó nhiều hoạt động thanh niên tham gia thực tập và làm việc trong các khu vực quốc tế ngày càng đem lại hiệu quả cao. Thực tế thời gian gần đây nhiều thanh niên có xu hướng tìm kiếm cơ hội thực tập và làm việc tại các công ty, tổ chức quốc tế. Điều này giúp họ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế công việc, trau dồi kỹ năng chuyên môn và mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác quốc tế.
 
Anh4
 
Nguồn ảnh: Internet

Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ Thanh niên tham gia Hội nhập Quốc tế. Đoàn đã đề ra các chương trình, dự án và hoạt động nhằm khuyến khích Thanh niên tham gia giao lưu, học tập và trao đổi văn hóa với Thanh niên từ các quốc gia khác qua đó tạo cơ hội cho Thanh niên trải nghiệm và học hỏi từ những môi trường quốc tế, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng mạng lưới quan hệ đối ngoại. Mặt khác, Đoàn Thanh niên và các tổ chức thanh niên khác đã thành lập và tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới giao lưu quốc tế. Điều này tạo điều kiện cho Thanh niên Việt Nam kết nối, giao lưu với Thanh niên từ các quốc gia khác, trao đổi, giao lưu văn hóa, tạo dựng tình đoàn kết với cộng đồng quốc tế một cách thường xuyên và ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
 
 
Có thể khẳng định, hội nhập quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho thanh niên trong cuộc sống, sự phát triển cá nhân, đồng thời mở rộng cơ hội lao động, cống hiến, sự tham gia của thanh niên trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thanh niên không chỉ có cơ hội tiếp cận với kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm mới từ các quốc gia khác nhau mà còn có thể học tập, làm việc và giao tiếp trong môi trường quốc tế, từ đó mở rộng tầm nhìn và phát triển khả năng tư duy toàn cầu và ngày càng đáp ứng tiêu chuẩn, hình mẫu “công dân toàn cầu”. Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội phát triển chuyên môn cho thanh niên từ việc học tập trong môi trường quốc tế đến việc làm việc với đội ngũ đa quốc gia, hội nhập giúp thanh niên mở rộng kiến thức, kỹ năng và xây mạng lưới quan hệ quốc tế rộng lớn, khuyến khích sự khám phá, sự sáng tạo và lòng tự tin của thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong môi trường toàn cầu hóa. 
 
 
Tuy nhiên thực tế cho thấy hội nhập quốc tế ngày nay không chỉ mang đến cơ hội mà còn đồng thời đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cho thanh niên. Ngày nay thanh niên phải đối mặt, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và đa dạng trong kinh tế, văn hóa và xã hội trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi không chỉ là những kỹ năng phổ thông như ngoại ngữ, tin học mà con là khả năng hiểu biết linh hoạt, sáng tạo và tự tin trong việc đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề trên phạm vi quốc tế. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế là quá trình “hoà nhập” mà không “hòa tan”, đòi hỏi thanh niên ngày càng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, trung thành với quốc gia, dân tộc khẳng định tấm “hộ chiếu văn hóa” của con người Việt Nam, bản sắc Việt Nam trong các mối trường hợp, mọi quan hệ giao lưu và hội nhập quốc tế.
 
 
Đứng trước những khó khăn, thách thức trong vấn đề Hội nhập quốc tế thanh niên, Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 khẳng định: “Tiếp tục mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế cả về bề rộng và đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực với các nước trên thế giới theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước... Triển khai sáng tạo, có hiệu quả, các hoạt động chính trị đối ngoại và giao lưu thanh niên... Tiếp tục tổ chức các hoạt động đối ngoại thanh niên trực tuyến, trực tiếp và tại chỗ linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới. Tổ chức các chương trình, hoạt động giao lưu, kết nối, hỗ trợ thanh niên, du học sinh các nước đang sinh sống, học tập, làm việc tại các địa phương trên toàn quốc...Triển khai hiệu quả Chương trình Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030. Tổ chức đa dạng các hình thức hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế cho đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là năng lực sử dụng ngoại ngữ...”  
 
Để làm tốt Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 nói chung và trong lĩnh vực hội nhập quốc tế đoàn viên, thanh niên nói riêng, trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải tổ chức triển khai nghiên cứu khoa học mang tính toàn diện và hệ thống, tập trung đánh giá năng lực hội nhập quốc tế của đoàn viên, thanh niên dưới mọi góc độ từ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, và các điều kiện khác, từ đó đề xuất giải pháp tích cực, hiệu quả của Đoàn Thanh niên trong việc không ngừng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của đoàn viên, thanh niên Việt Nam, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời gian tới.

[1] Lực lượng lao động thanh niên bao gồm những người đang làm việc và thất nghiệp từ 15 đến 24 tuổi

Theo doithoaiphattrien.vn