NÂNG TẦM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÁC SẢN PHẨM VĂN HÓA SỐ CỦA THANH NIÊN
Đăng lúc: 2025-02-17 09:30:00
|
Bởi: admin
|
Lượt xem: 1923
|
Chuyên mục: Phát triển
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ ở quy mô sâu, rộng và có tính chất toàn cầu như hiện nay, chủ đề chuyển đổi số, lưu hành và sáng tạo các sản phẩm số dựa trên sự liên kết các nền tảng công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một xu hướng tất yếu, khách quan, góp phần làm nảy sinh nhu cầu về nhận thức khoa học mới, trên cơ sở tổ chức, thực hiện các nghiên cứu liên ngành, tổng kết, đánh giá thực tiễn hướng tới các hoạt động tham vấn xây dựng và thực thi các chính sách phát triển số của các quốc gia .


Một sản phẩm của AI giành giải thưởng văn học lớn ở Trung Quốc từ cốt truyện đến tranh vẽ, ảnh nguồn internet
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số, lưu hành và sáng tạo các sản phẩm số là quá trình đồng hành với sự phát triển khoa học, công nghệ diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở tất cả các quốc gia hiện nay bao quát các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đời sống con người và xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên, môi trường... Những kiến thức mới, công nghệ mới được triển khai, ứng dụng trên nên tảng số dường như không giới hạn, khái phá và giải phóng mọi năng lượng trí tuệ, văn hóa của con người và ngày càng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với tư cách là nguồn lực mà còn là nguồn vốn phát triển không thể thiếu trong mỗi cộng đồng. Tận dụng ưu thế phát triển công nghệ mới theo đúng lộ trình, đúng hướng, nhiều quốc gia “đi sau” đã nhanh chóng khai thác tài nguyên số từ sự kết hợp tri thức bản địa, văn hoá và công nghệ, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, tạo nên sự bứt phá, trở thành những nước phát triển, đóng vai trò dẫn dắt khu vực và thế giới. Ở chiều ngược lại, những nước không kịp thời thay đổi, không có giải pháp hữu hiệu ứng dụng, phát triển công nghệ đã dần mất vai trò và vị thế của mình, thậm chí có nguy cơ trở thành quốc gia tự hậu, không theo kịp thời đại.
Cùng với sự đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, phát triển trí tuệ nhân tạo, từng bước hiện đại hóa các ngành công nghiệp số, thì đầu tư cho con người - đội ngũ nhân lực số chất lượng cao cũng đóng vai trò quyết định cho những chỉ tiêu thành công trong các chiến lược phát triển số. Thanh niên, với tư cách là nguồn nhân lực lao động và trí tuệ cần được quan tâm, đầu tư, tạo cơ hội và điều kiện phát triển để trở thành nguồn nhân lực trẻ, nhân lực số chất lượng cao, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, khả năng tư duy sáng tạo và ứng dụng số trong các hoạt động thực tiễn. Do vậy, việc đầu tư phát triển năng lực số cho thanh niên, được rất nhiều nước quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, trở thành chiến lược quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Với tốc độ phát triển và sự thay đổi nhịp sống diễn ra nhanh, chỉ với những công cụ đơn giản như chiếc điện thoại thông minh đã thu hút hàng chục triệu người dân Việt Nam tham gia các hoạt động khác nhau trên môi trường số. Báo cáo Digital 2023 ghi nhận tính đến tháng 1/2023, có 78 triệu người Việt Nam dùng internet, trong đó có 161,6 triệu thuê bao do động, tương đương mỗi người có 1,5 điện thoại di động. Thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt Nam là 6 giờ 23 phút/ngày, thời gian xem TV bao gồm broadcast và streaming là 2 giờ 39 phút/ngày và thời gian dành cho mạng xã hội là 2 giờ 32 phút/ngày.[1] Theo nhiều nghiên cứu gần đây, thanh niên nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung luôn là nhóm sản xuất và tiêu dùng cao đối với các sản phẩm số. Họ không chỉ là nhóm có khả năng nắm bắt, thích ứng và làm chủ nhanh với các công nghệ mới mà còn sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ, tận dụng và khai thác công nghệ tối ưu để tạo ra giá trị kinh tế và văn hóa xuyên biên giới trên không gian mạng.
Ở Việt Nam, đồng hành với kinh tế số, văn hóa số là một trong những thuật ngữ xuất hiện trong thời gian gần đây, là một khu vực đầy tiềm năng, thu hút sự quan tâm của giới học thuật và các nhà làm chính sách từ lý luận đến thực tiễn. Bên cạnh sự cải thiện không ngừng về công nghệ, cũng như mức độ phổ biến của các nền tảng xã hội, các mạng xã hội và ứng dụng thông minh như zalo, facebook, youtube, tiktok, instagram… Ngày nay, các sản phẩm văn hóa số “made in Việt Nam” đã được thanh niên tạo ra theo từng giờ, từng phút, lưu hành và phát triển trên không gian mạng, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ và xã hội. Nhiều sản phẩm có chất lượng đã tạo nên xu hướng mới, ảnh hưởng trực tiếp đến ngôn ngữ, lối sống, hành vi ứng xử trong quan hệ giao tiếp hàng ngày của thanh niên.
Theo thống kê năm 2023, zalo chính là mạng xã hội được nhiều người Việt Nam dùng nhất với con số lên đến 74.6 triệu tài khoản. Facebook đi theo sau với hơn 66 triệu người dùng, YouTube là 63 triệu, TikTok gần 50 triệu, Instagram hơn 10 triệu[2]. Bên cạnh sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, sự kết nối không gian mạng thuận lợi, không ngừng tương tác, chuyển hóa lẫn nhau giữa các nền tảng số đã là nguồn cảm hứng sáng tạo, lưu hành sản phẩm văn hóa số cho nhiều nhóm thanh niên Việt Nam. Công chúng không còn đóng vai khán giả, người hưởng thụ, tiêu dùng thụ động như trước đây mà họ đang dần chủ động tiếp nhận, thậm chí trực tham gia vào quá trình sản xuất, lưu hành và phát triển các sản phẩm văn hóa số. Có thể thấy sự mở rộng không gian mạng ngày càng trở thành môi trường thuận lợi cho quá trình học tập, lao động, sáng tạo các sản phẩm văn hóa, giải trí của thanh niên, một mặt đáp ứng nhu cầu thanh niên, mặt khác góp phần thúc đẩy quá trình liên kết, giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các khu vực, các các nhóm, tầng lớp xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Thời gian gần đây một số sản phẩm văn hóa số có chất lượng cao đã góp phần tham gia truyền tải những giá trị tư tưởng, văn hóa tiên tiến, tích cực, đậm đà bản sắc dân tộc, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, hội nhập đến đông đảo bạn bè quốc tế, qua đó khẳng định sức mạnh mềm Việt Nam đang hình thành và phát triển trên cơ sở kết hợp, hội tụ các tinh hoa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Ca khúc “trăm triệu view” Nam quốc sơn hà của ca sĩ Erick, Phương Mỹ Chi thể hiện đã góp phần cho thế giới biết nhiều hơn về bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt, bản tuyên ngôn đầu tiên khẳng định, chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Điệu nhảy “See tình” của Hoàng Thùy Linh không chỉ trở thành điệu nhảy “dân vũ” trong thanh niên Việt Nam mà còn có hàng trăm phiên bản do thanh niên các nước trên thế giới hát và nhảy theo, chia sẻ trên nền tảng tiktok.

MV âm nhạc với thiết kế đậm chất số của Hoàng Thùy Linh, ảnh nguồn internet
Thực tiễn cho thấy sự lưu hành và phát triển các sản phẩm văn hóa số nói chung và sự lưu hành và phát triển các sản phẩm văn hóa số của thanh niên nói riêng ở nước ta trong những năm gần đây đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề mới mẻ, cần có sự nghiên cứu khoa học cẩn trọng để từ đó định hướng chính sách phát triển văn hóa số đúng đắn, lành mạnh và tích cực đem lại lợi ích cho thanh niên và quốc gia, dân tộc. Bên cạnh các giá trị tích cực, cũng có không ít những vấn đề mặt trái nảy sinh trong hoạt động sản xuất, lưu hành, phát hành văn hoá số của thanh niên thời gian gần đây, đặc biệt là sự lung túng của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm, sự quan ngại của các nhà làm giáo dục, truyền thông và dư luận xã hội.
Núp bóng các sản phẩm văn hóa số, có không ít các sản phẩm mang nội dung thiếu lành mạnh, tích cực, cổ vũ lối sống thực dụng, vị kỷ trong thanh niên, thậm chí có những sản phẩm nhảm nhí, phản văn hóa, cổ vũ các hành vi bạo lực, phản cảm, đi ngược với thuần phong mỹ tục văn hóa, con người Việt Nam, tác động xấu đến công chúng trẻ. Có thể dễ dàng thấy, trên mạng xã hội hiện nay vẫn có hàng loạt những dòng trạng thái, những video clip, những cuộc Livestream, những bình luận và cả các “nhân vật” mạng xã hội được tạo ra mỗi ngày thể hiện những suy nghĩ, quan niệm, hành vi lệch lạc vi phạm các chuẩn mực văn hóa, đạo đức và pháp luật. Trong thế giới văn hóa số với xu hướng phát triển tự phát, những khu “chợ” thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt, các hội nhóm kín không được quản lý chặt chẽ, đã cho thấy không ít những cuộc tranh luận diễn ra mà ở đó ranh giới giữa văn hóa và phản văn hóa trong giới trẻ đang trở nên khá mong manh.
Thực tế cho thấy cùng với sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên, nhóm nhân khẩu học xã hội đặc thù về lứa tuổi vừa là đối tượng chịu tác động, vừa có điều kiện và cơ hội nắm bắt công nghệ tốt hơn các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên thanh niên cũng là nhóm tuổi khó khăn, có nhiều nguy cơ trong việc xác định các giá trị, chuẩn mực, phân biệt rõ ràng đúng, sai, tích cực, tiêu cực trước sự tiếp nhận và tác động của các yếu tố văn hoá mới lạ, các trào lưu và xu hướng văn hóa gắn với công nghệ hiện đạ i. Việc ban hành, thực thi pháp luật, các biện pháp quản lý kịp thời với các sản phẩm văn hóa số trong thực tiễn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh sự phát triển quá nhanh của công nghệ và không gian mạng. Công tác tuyên truyền, giáo dục, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết và phù hợp cho thanh niên trong sản xuất, lưu hành và phát triển văn hóa số lành mạnh, tích cực, phòng chống thông tin xấu, độc, núp bóng văn hóa số chưa đạt được hiệu quả cao.


Văn hóa số sẽ tiếp tục tham gia tích cực trong sứ mệnh chấn hung văn hóa dân tộc - Ảnh nguồn internet
Đại hội XIII của Đảng đã xác định vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Văn kiện Đại hội khẳng định đó là: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[3]. Để phát huy tốt giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, Đảng ta xác định nhiều giải pháp quan trọng, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vừa bảo đảm thúc đẩy văn hóa phát triển, vừa góp phần giáo dục, rèn luyện con người, phát huy vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.[4]
Quản lý, phát triển văn hóa số cũng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong đó quan trọng nhất là nâng tầm văn hóa số của thanh niên Việt Nam, kiến tạo những giá trị của Sức mạnh mềm Việt Nam hiện đại, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá thực trạng sản xuất, lưu hành và phát triển các sản phẩm văn hoá số của thanh niên hiện nay hướng đến đề xuất giải pháp và khuyến nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, phát triển văn hóa số đối với thanh niên là vấn đề đặc biệt thiết hiện nay.
[1] https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/332869-Data-Station-41-Digital-Landscape-2023-Thoi-gian-luot-Internet-gap-3-lan-TV-Digital-chiem-hon-nua-ngan-sach-Marketing
[2] https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/332869-Data-Station-41-Digital-Landscape-2023-Thoi-gian-luot-Internet-gap-3-lan-TV-Digital-chiem-hon-nua-ngan-sach-Marketing
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. I, Hà Nội, 2021, tr. 116
[4] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825014/xay-dung-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa%2C-suc-manh-con-nguoi-viet-nam-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx